The Gift of Failure: Cứ (cho con) sai đi

You are currently viewing The Gift of Failure: Cứ (cho con) sai đi

Việc o bế, can thiệp quá mức của cha mẹ Mỹ đối với cuộc sống và việc học hành của con trẻ (có thể giống với cha mẹ Việt Nam) tưởng rằng là biểu hiện của sự quan tâm và có trách nhiệm. Nó cho một hiệu quả mang tính nhất thời, đỡ mệt nhọc cho cha mẹ và cho cả trẻ, tuy nhiên về lâu dài, nó lại gây hại nhiều hơn.

Nó ngăn cản trẻ có cơ hội, thời gian và không gian giải quyết vấn đề của riêng mình. Dẫn chứng số liệu qua từng thời kỳ cho thấy số lượng thanh niên Mỹ ỷ lại vào gia đình, kém tự tin tăng lên đáng kể khi cha mẹ ngày càng có điều kiện. Đây là một hồi chuông báo động cho cả nước Mỹ.

Cuốn sách The Gift of Failure tổng hợp một số nền tảng khoa học và lập luận nhằm tập cho cha mẹ và giáo viên để trẻ tự đối mặt với thất bại. Cảm xúc thất vọng, chán nản, tức giận, bị điểm kém hay có xích mích với bạn bè, … là cần thiết cho trẻ trong quá trình hình thành tính cách kiên trì, độc lập, tự giác và không lệ thuộc vào người lớn.

Vừa là bậc cha mẹ và giáo viên, Jessica Lahey nêu ra những vấn đề đặc trưng mà trẻ gặp phải trong suốt quá trình phát triển: mẫu giáo, tiểu học, trung học đến đại học và đề xuất những phương pháp và kỹ thuật để cha mẹ giáo dục trẻ sự tự giác, tự lập trong cuộc sống, học tập và mối quan hệ.

Ví dụ: trẻ mẫu giáo có thể mang quần áo của mình vào rổ đựng đồ bẩn, trẻ tiểu học tự giải quyết bài tập của mình, học sinh trung học tự nấu ăn, sinh viên đại học tự liên hệ với giáo sư, …

Điểm tích cực

1. Cuốn sách đề cập những cách thức và kỹ thuật cụ thể hướng dẫn trẻ tự lập, tự giác dành cho đa dạng lứa tuổi. Từ trẻ mẫu giáo cho đến sinh viên đại học, mỗi lứa tuổi sẽ gặp những vấn đề đặc trưng. Tác giả gợi ý cách giáo dục đối với những vấn đề đó.  

2. Cuốn sách sử dụng những báo cáo nghiên cứu tâm lý học làm nền tảng và minh chứng bằng số liệu thống kê của Hoa Kỳ về các vấn đề xung quanh việc nuôi dạy trẻ.  

3. Cuốn sách trình bày một cách thẳng thắn, đơn giản và tài liệu tham khảo đa dạng, đáng tin cậy dựa trên nền tảng giáo dục tích cực.  

Điểm hạn chế

1. Cách tiếp cận và ngôn ngữ của tác giả có thể sẽ khiến độc giả Việt Nam bị “dội”, thậm chí bị coi là “tàn nhẫn”, ở một số ví dụ.

Như khi tác giả chấp nhận việc để con mình bị nhà trường khiển trách vì quên mang tập vở thay vì mang đến lớp cho con mình. Hoặc khi tác giả chứng kiến việc trẻ và bạn bè chúng cãi nhau mà không can thiệp.

Để hiểu được tinh thần của sách một cách trọn vẹn, ít nhất cha mẹ và giáo viên phải có mong muốn tạo được hai thứ: niềm tin vào trẻ và sự kiên nhẫn dám nhìn trẻ mắc sai lầm.  

2. Vì khái quát nhiều lứa tuổi trong một cuốn sách nên khó mà đề cập sâu sắc vào một lứa tuổi nào. Có thể độc giả thấy chưa đủ thuyết phục, tuy nhiên, cuốn sách được viết nhằm mục đích giới thiệu tinh thần “let your children go” nên không lấy gì làm lạ.

Những cách thức mà tác giả giới thiệu là gợi ý bước đầu cho giáo viên và phụ huynh. Một khi đã hình thành ý thức để trẻ tự xoay sở rồi thì sẽ người đọc sẽ tự đưa nhiều ý tưởng hơn.

Kết luận

Quan điểm của tác giả không phải cực đoan rằng cứ để mặc con trẻ một mình tự xoay sở và không quan tâm gì đến chúng. Trái lại, theo tác giả, người lớn cần biết kiên nhẫn, tạo điều kiện để trẻ tự làm, tự học, kể cả phạm sai lầm (trong một môi trường nhất định do người lớn đặt ra). Từ đó, phân tích cho trẻ hiểu những điểm cần khắc phục một cách tích cực và đồng hành cùng trẻ trong những lần “thử – sai” tiếp theo.

Liên hệ bản thân

Với quan sát chủ quan của mình qua những trường hợp tiếp xúc với phụ huynh và học sinh, mình để ý rằng những học sinh dù lớn vẫn “được” ba mẹ chăm lo quá mức: mặc áo khoác, đội nón bảo hiểm, khẩu trang giúp, nhắc thầy cô cho con uống sữa, … thường thiếu tự tin và chủ động tham gia các hoạt động trên lớp. Vẫn chưa nhận xét được là do yếu tố tính cách, môi trường lớp học ảnh hưởng nhưng mình cho rằng vẫn có sự liên quan.

Mình cũng tự ngẫm lại rằng có thể hồi nhỏ mình được dạy tự làm kha khá việc nhà nên lớn lên có thể tự lập sớm một cách khá thuận lợi. Nhiều bậc cha mẹ thì không tin tưởng con mình. Câu nói “để mày làm thì tao làm cho nhanh” là một ví dụ dễ gặp nhất. Hihi.

Đương nhiên rồi, người lớn có một siêu năng lực – khả năng làm các thao tác tay chân một cách vô cùng thuần thục, chính xác và nhanh chóng, khác hẳn với tất cả trẻ con. Rõ ràng người lớn làm thì nhanh gọn rồi, nhưng nếu không cho trẻ học, làm sao trẻ có thể tự tin làm việc đó trong tương lai?

Khi dạy khoa học với bao nhiêu dụng cụ, mình dọn chỉ loáng cái là xong nhưng vẫn cố gắng tạo điều kiện cho học sinh rửa rửa, lau lau. Thậm chí rơi, vỡ, bẩn hơn, … thì sao? Ít nhất cũng xây dựng cho nó một ý thức tự phục vụ. Cái đau đầu nhất là tạo ra được thời gian và không gian cho học sinh sai.

Và mình thấy câu “Cứ sai đi…” không có gì sai cả :))

Cảm ơn bạn đã đọc bài,

The Too Blue Scientist

Leave a Reply