Long Mu kí sự 1 – Tô Đậm mùa 7

You are currently viewing Long Mu kí sự 1 – Tô Đậm mùa 7

Sau một khúc cua đường đèo, bảng hiệu Nam Trà My bất ngờ hiện ra. Hành trình xe máy từ Hội An đến đây mới khó. Con đường chắc đang trong giai đoạn dở dang, toàn ổ gà và đá mi dằn xóc. Chất theo đống lều và túi ngủ, con Sirius tôi lái biến thành chiếc máy mát xa chạy chế độ rung cao nhất. Xe lắc ác. 

Bài viết này kể về chuyến đi tiền trạm cho một mùa tô mới của Tô Đậm kết hợp với A Sông tháng 1 vừa qua, từ quan sát của tôi. Bài được đăng ở đây, vì nó cũng là một nỗ lực nghiên cứu nếp sống và văn hóa của một cộng đồng. Phương pháp mà đoàn chúng tôi sử dụng có thể gọi là điền dã (ethnography). Tức là, chúng tôi hòa mình vào nhịp sống của cộng đồng bản địa dưới vai trò người quan sát. Bạn có thể đọc thêm về kiểu nghiên cứu này tại đây.

*Tên của một số nhân vật đã được thay đổi.


Chúng tôi đến làng Loan Mu lúc trời đã mệt mỏi, thắp nốt những tia sáng còn sót lại. Tôi gồng cơ bụng, xoay sở bắt xe gồng theo. Cả hai cố gắng chiến thắng con dốc đổ xi măng cua cực gắt dẫn từ nhà máy Thủy Điện Đăk Di 1 lên tới làng. Trên đỉnh dốc là một tiệm tạp hóa kiêm chỗ để xe máy. Người dân đứng nhìn chúng tôi, ngó trân, cười cười. Chúng tôi làm y hệt. Chó sủa inh ỏi một sườn núi. “Lên trường đúng không? Để xe máy ở đây đi. Chỉ đi bộ được thôi. Thẳng đường đó đó.” – Một anh nói. Có mấy chị lấy gùi ra, xung phong vác lều lên giúp chúng tôi.

Hơi nóng tỏa ra khắp bên dưới lớp áo khoác từng chắn gió cho chặng đường gần 200 km trước đó. Chúng tôi bắt đầu đi bộ. Đường leo lên điểm trường là nền đất còn sót lại của con đường từng dành cho xe ben chở vật liệu lên xây chính ngôi trường. Ban đầu chắc đường to, qua thời gian thì còn lại vừa đủ cho hai người tránh nhau. Đường hẹp, đất bùn lẫn đá. Thi thoảng có con suối hay mạch nước nhỏ chảy ngang, tăng thêm độ trơn trượt. Con đường chọn người đi. Trong khi người địa phương bước đi nhẹ nhàng như dạo công viên thì nhóm tiền trạm phải dò dẫm từng bước như thể trekking mạo hiểm.

Trời tắt hẳn. Ánh sáng trắng đèn huỳnh quang hắt ra từ điểm trường mẫu giáo Long Mu đón chúng tôi.


Suốt chuyến đi, hễ tụ nhau lại là Tô Đậm và A Sông lại họp, bất kể Hội An, Nam Trà My, Đà Nẵng. Chúng tôi rón rén, cẩn trọng với mỗi ý định của mình khi muốn làm gì đó tại cộng đồng bản địa. Chúng tôi muốn hiểu cộng đồng này trước nhất. Sáng hôm nay, mỗi người sẽ tỏa ra quan sát một góc của làng. Tôi thì chọn ở trường.

Điểm trường này dành cho con em đồng bào Xê-Đăng, nhánh Ca Dong. Trường đón khoảng 20 em nhỏ từ các làng đến học mẫu giáo. Vì nhà xa nên các em ở lại trường luôn. Mỗi em có một phụ huynh, là ông, bà, anh, chị, hoặc mẹ đi theo chăm sóc, cơm nước.

Tụi trẻ con đứng như trời trồng thành một cụm khi thấy chúng tôi xuất hiện trong cái sân trường nhỏ xíu của chúng nó. Rất nhiều nụ cười từ phía chúng tôi nhưng cấm có một cái hé răng nào đáp trả. Những cặp mắt mở to, quan sát trong lạ lẫm. Được dẫn vào lớp, tụi nó khoanh chân, ngồi thành vòng tròn, nghiêm như một buổi họp quan trọng của người lớn. Mặc kệ hành động và lời nói làm quen nào từ phía chúng tôi, tụi nhỏ vẫn im thin thít. Tôi giục mọi người trong đoàn đi ra. Sau đó, lập tức không khí lớp học giãn bớt, mấy đứa bắt đầu thì thầm vào tai đứa bên cạnh. Chắc nói về chúng tôi rồi.

Giờ ra chơi, cô giáo có hiệu lệnh hỏi ai đi vệ sinh, tụi nhỏ thi nhau “em, em!” rồi ùa ra sân trường. Mỗi đứa con trai một góc đứng đái, xuống mọi chỗ miễn không phải sàn xi măng. Mấy đứa con gái thì chạy đâu, chắc ra mặt sau trường, tôi đoán. Xong xuôi, vài đứa leo cột mái hiên, còn phần đông thì xô đẩy nhau trong hàng dọc để chơi trên chiếc cầu trượt bằng gỗ được đóng rất khéo. Tôi cũng nhanh trí tìm cách hòa mình. “Chú chơi với nha”, rồi đứng ra sau cùng của hàng, cao ngồng.

Đến lượt trượt của mình. Thật ra chân tôi dài hơn cầu trượt, nhưng cũng cố co chân để trải nghiệm. Trượt xong, có vẻ tụi nhỏ chấp nhận tôi hơn. Có cậu bé nước mũi tè le, chẳng nói chẳng rằng, chạy đến ôm chân tôi. Cô giáo bảo nó 3 tuổi, chưa biết gì cả.

Trong lúc tụi nhỏ chơi với chiếc cầu trượt hoặc đuổi bắt quanh sân, tôi tranh thủ trò chuyện với cô giáo. Cô kể về hoàn cảnh của một vài đứa trong lớp. Em này mất cha, em kia mất mẹ, đều dính tới rượu. Cô bảo chết vì bệnh tật còn hiểu được, chết vì rượu nghe không thích tí nào. Có cô bé đội nón len suốt từ khi bị rụng tóc do bệnh da đầu. Em thích leo trèo lắm. Người lớn nói nặng em không nghe đâu. Cô giáo là bạn với mẹ em, mới mất, cô giáo nói nhẹ nhàng nó mới nghe.

Cơm trưa ở đây là do phụ huynh nấu, tại một gian nhà gỗ phía sau trường. Tới giờ cơm, mọi người bê nồi cơm, nồi thịt gà kho nghệ, nồi rau xuống đơm sẵn vào tô. Cơm nhiều, phải lưng bát, gà và rau ít hơn. Cô giáo chụp hình từng bàn ăn sau khi bày đủ số tô cơm, bảo là gửi cho một tổ chức tài trợ suất ăn. Cô chụp xong thì cả lớp đồng thanh mời cô, mời mọi người có mặt, mời nhau và tự mình xúc ăn. Đứa 3 tuổi cũng như đứa 5 tuổi.


15:10, tôi hào hứng muốn giúp đỡ mọi người mang củi xuống chỗ bán, ý định là để thằng Bin có thêm thời giờ chơi với chúng tôi. Bin là anh của một cô bé trong trường, cũng là phụ huynh nhưng tầm tuổi 20.

Mỗi bó củi chắc phải cỡ 20 – 30 kg. Tôi với x.Hoàng loay hoay mãi với một bó, mỗi đứa một đầu thì thằng Bin vác hẳn một bó khác trên vai như vác bó rơm, đi thoăn thoắt. Thi thoảng nó còn quay lại, tay kia che miệng cười chúng tôi. Mấy cô phụ huynh đeo củi trên vai, ngang qua thấy chúng tôi chật vật, đùa bảo “cố chấp mà làm gì.” Tôi cười sặc đang lúc bở hơi tai. Lát sau, ông Hùng tới, tôi mượn ông sợi dây dù và đeo lên vai giúp tôi.

15:30, thằng Bin chỉ cho tôi đầu chiếc xe Sirius màu đen của nó. Bề mặt nhựa từng bị nóng chảy biến dạng sần sùi, gồ ghề. Bin kể nó lôi được cái xe ra khỏi một lần cháy nhà. Chả cứu được gì cả, ngoài cái xe. Người nhà của nó ổn. 

15:53, thằng Bin dẫn chúng tôi xuống suối, cách tiệm tạp hóa không xa. Suối rộng, cũng có chỗ mặt nước phẳng, tắm được. Bin chịu chơi, lao cả người nguyên bộ quần áo xuống suối, “đặt tiêu chuẩn” cho chúng tôi. Thằng Bảo thì cởi hết, để lại chiếc quần lót trên người rồi cũng lao xuống theo. Nó Á! lên, vì lạnh. Chúng tôi cởi giày, thả chân xuống nước theo. 

Á! Á! Á!

Sau chuyến đi tiền trạm, chúng tôi xuống núi mà vẫn chưa có tên cho mùa 7. Trong tên cần có một cụm từ đặc trưng cho cộng đồng bản địa. Có lẽ cần thêm thời gian để dòng văn hóa Ca Dong chảy qua chúng tôi. Tri thức về nhánh Ca Dong chưa có nhiều, dù dân tộc Xê-Đăng đã được các nhà nghiên cứu nhân học và văn hóa để mắt. Vì thế, sự cẩn trọng của chúng tôi khi tương tác với một nền văn hóa khác mình có lẽ là cần thiết.

Mời bạn đọc đón đọc thêm về hành trình của Tô Đậm và A Sông và ủng hộ/hợp tác qua địa chỉ sau: https://linktr.ee/todamvn

This Post Has 2 Comments

  1. Si

    Hay quá anh H ơi, chúc cả đoàn mạnh giỏi trong những chuyến tiếp theo. Em S ủng hộ!

Leave a Reply