Ai cũng biết về lợi ích của cây rồi nhưng có một nghiên cứu cho kết quả … mắc cười như thế thì cũng gây tò mò nhỉ?! Trồng cây thì liên quan gì đến việc sống lâu? Có cơ chế siêu nhiên nào không?
Nghiên cứu này vừa được công bố bởi các nhà khoa học tại Ủy ban Dịch vụ môi trường rừng Hoa Kỳ khi đánh giá tác động của 30 năm trồng cây tại thành phố Portland, bang Oregon nước này (0).
Các nhà nghiên cứu lấy số liệu cây trồng trên đường phố trong 30 năm qua bởi một tổ chức phi chính phủ và tìm mối liên quan với các số liệu khác của dân số cùng khu vực như tỉ lệ tử vong, trình độ giáo dục, mức thu nhập, độ tuổi và chủng tộc. Các cây đem trồng khi chúng đã 4 – 8 năm tuổi.
Sau khi tính toán, các con số thể hiện sự tương quan thú vị. Mỗi cây được trồng trong vòng 15 năm trước có liên quan đến việc giảm đáng kể tỉ lệ tử vong ở người không do tai nạn hoặc do các bệnh về tim mạch. Mối liên hệ nghịch này càng rõ rệt khi cây càng lớn và phát triển. Cụ thể, cây được trồng từ 6-15 trở về trước “dính” tới chuyện tỉ lệ tử vong ở người giảm nhiều hơn so với cây trồng từ 1-5 năm gần đây.
Để thử xem điều này có phải ngẫu nhiên không, vì ngộ nhỡ tìm thấy mối liên hệ số cây trồng và số lần hắt xì thì sao (?), nhóm nghiên cứu cũng tính toán sự liên quan với tỉ lệ tử vong do tai nạn nhưng không tìm thấy liên kết. Hợp lí thôi.
Tiện đó, họ cũng thống kê chi phí – lợi ích của việc trồng cây trong thành phố Portland và quy ra thành tiền. Chi phí duy trì 140 cây trồng mỗi năm là từ hơn 2500 đô tới – 13700 đô. Còn lợi ích thì sao? Mỗi cây trồng đem lại giá trị … từ 8-20 triệu đô (What?!) nếu quả thực trồng cây có tác dụng như đã nói ở trên.
Tìm hiểu thêm chút thì mình thấy những công trình khác cũng có những kết luận tương tự. Chẳng hạn, một số nghiên cứu ghi nhận mức độ tiếp xúc của người dân với những mảng xanh trong thành phố liên quan đến việc giảm tỷ lệ tử vong không do tai nạn, các bệnh về đường hô hấp và tim mạch ở người. Thậm chí cũng có nghiên cứu so sánh mức độ tiếp xúc với mảng xanh và tỉ lệ tử vong của những nhóm dân cư thành thị với nhóm có thu nhập thấp hơn.
Trở lại, đây là một nghiên cứu tương quan (correlation). Tương quan là sao? Việc nhiều cây và tỉ lệ tử vong giảm trong cùng khoảng thời gian có thể có nhiều cách giải thích. Nhiều cây làm người khỏe mạnh hơn, ít bệnh thì ít tử vong hơn. Nhưng cũng có thể những người khỏe mạnh sẵn chọn sống ở nơi nhiều cây. Vì lẽ ấy mà một nghiên cứu này chưa thể xác lập mối liên hệ nhân – quả (causal relation) giữa việc trồng cây và tỉ lệ tử vong giảm. Hơn nữa, nó tập trung vào nghiên cứu quan sát số liệu sinh thái một khu vực thay vì điều tra trực tiếp trên ai đó cụ thể nên có thể thiên vị số đông.
Tuy vậy, cứ thử đưa ra vài dự đoán để giải thích cơ chế của hiện tượng này xem. Khi cây phát triển, diện tích lá của nó tăng lên, điều này cũng làm tăng khả năng hấp thụ ô nhiễm không khí của cây (1), điều hòa nhiệt độ ở mức vừa phải, làm giảm tiếng ồn (3, 4), và làm tăng thẩm mĩ cho không gian đường phố (5).
Dù sao thì đây cũng là một nghiên cứu thú vị và cần khai thác thêm. Biết đâu chính những phát hiện như thế này có thể dẫn đến một sự thay đổi trong nhận thức phòng bệnh “thuận tự nhiên” của chúng ta.
0 – (Donovan và cộng sự, 2022)
1 – (Nowak và cộng sự, 2006)
2 – (Jesdale và cộng sự, 2013)
3 – (Passchier-Vermeer và Passchier, 2000)
4 – (Roy và công sự 2012)
5 – (Lohr và Pearson-Mims, 2006)
Hình chụp tại công viên rừng Đại An, Đài Bắc.