Năm ấy mình mới năm nhất năm hai thì phải, nhưng một vài suy nghĩ trong mình đã ra vẻ sâu sắc lắm :v .
Ken Robinson và hai, ba video TED Talks của ổng làm mình mê mẩn. Mình mê cái giọng Anh vuông vuông, mỏng mỏng. Mê sự thông minh và óc hài hước không đỡ được nên nhiều khi buồn buồn mình mở lại xem như thể nó là hài độc thoại vậy. Mê những câu chuyện nhỏ ông kể khi diễn thuyết, về đứa bé vẽ Chúa, về nghệ sĩ nhảy múa tưởng là bị hội chứng suy giảm tập trung, về cái đồng hồ đeo tay ngoài xem giờ ra còn xem được cả ngày.
Ha ha. Hoan hô Ken Robinson.
Thực lòng mà nói mình không biết vì sao ông ý được phong tước Sir. Có xem Wikipedia mà quên rồi. Ổng có viết sách nhưng chết dí phủi bụi trong ngõ ngách nào đó trong cái Kindle có cover nát của mình. Nhưng chất giọng Anh vuông vuông, mỏng mỏng đó lại truyền đi những thông điệp “rất khác”. Tự do. Phóng khoáng. Sáng tạo. Nhân văn. Ổng khiến mình lật đi lật lại cái câu hỏi mình sẽ là một giáo viên như nào. (Khi xem TED Talks thôi chứ ngoài đời nhiều khi vẫn quên béng.)
Trở lại, năm ấy mình trong Ban tổ chức chương trình Người giáo viên Vật lí tương lai trong trường đại học. Mình chịu trách nhiệm soạn câu hỏi tình huống ứng xử trong Vòng Chung kết cho đội chơi. Trong đó, có một câu mình lấy từ video School kills creativity của ông, dịch ra tiếng Việt rồi đem cho Ban Cố vấn duyệt. Một giảng viên thần tượng của mình trả lời mình, thầy thấy vấn đề này to lớn lắm, đến “bên trên” còn không trả lời được nữa là mấy bạn sinh viên. Câu đó bị loại.
Nhưng mình vẫn hay coi lại Ken Robinson. Cho vui.
Meaningness (theo cách gọi của David Chapman) – tạm dịch là việc tự tạo/gán/chấp nhận ý nghĩa của một sự vật, sự việc. Bản thân “ý nghĩa” cũng có nhiều định nghĩa. Mình thì tự nghĩ rằng đó là số câu hỏi “Để làm gì?” mà mình hay đặt ra lòng vòng trong đầu mình.
Thử nhé. Bạn cũng có thể thử.
- Bạn làm nghề gì?
- Mình làm giáo viên khoa học.
- Bạn làm giáo viên khoa học để làm gì? 1 (Đoạn này bắt đầu có nhiều phương án trả lời, mình cứ đi thử một đường thôi.)
- Mình nghĩ khoa học cần thiết cho trẻ con.
- Tụi trẻ con học khoa học để làm gì? 2
- Để chung sống chung với một thế giới mà sẽ phát triển dựa dẫm nhiều vào khoa học – kĩ thuật. Nếu thiếu kiến thức khoa học, tụi nó sẽ có thể khó mà làm ăn được gì (malfunctioning) trong thế giới đó. (Lúc này cũng có thể có nhiều câu hỏi.)
- Thế giới này cần khoa học để làm gì nhỉ? 3
- Con người nghiên cứu khoa học để biết về thiên nhiên, và để tạo ra những thứ tiện nghi, có lợi cho mình.
- Con người cần tạo ra những thứ đó để làm gì? 4
- Thì để duy trì tuổi thọ và nòi giống.
- Con người muốn sống lâu, sống dai để làm gì? 5
- Nó là bản năng loài rồi. Kiểu gì cũng phải cựa quậy để duy trì việc sống chứ.
- Nhưng kiểu gì chả …
David Chapman ở trên tổng hợp vài góc nhìn về ý nghĩa từ nhiều hệ thống tri thức, có được: Tiền định, Hư vô, Vật chất, và Sứ mệnh.
- Tiền định: duyên, số, định mệnh, con đường của mình được định sẵn.
- Hư vô: chả cái gì có ý nghĩa cả, toàn là do mình tự tạo nên. “Nó” không cần biết mình là ai, mình không tác động được gì lên nó.
- Vật chất: người ta sống để tích cóp vật chất dưới nhiều dạng, để tham gia vào lực lượng lao động, và làm giàu cho mình và cho người khác. Nhưng mà một là vật chất tích được càng nhiều thì càng ít. Và hai nữa khi chết không mang đi được.
- Sứ mệnh: niềm tin rằng mình có một tài năng thiên bẩm và một sứ mệnh đặc biệt. Chỉ cần tìm đúng chóc sứ mệnh là mọi thứ thuận lợi.
Mỗi góc nhìn này đều có vài mặt và mang lại ảnh hưởng khác nhau lên người nhận chỉ một mình nó làm gốc tư duy.
Trở lại câu hỏi “Để làm gì?” ở trên, mình không trả lời được. Hoặc chưa, mình làm trước tính sau.
Rest in peace, please, Sir.
Cuốn sách ở trong hình là cuốn gì vậy ạ?
Cuốn sách ở trong hình là cuốn gì vậy ạ?
Cuốn này tên Creative School. Hiện đã có sách tiếng Việt rồi. Thanh có thể đọc thêm về nó tại đây: https://thetoobluescientist.com/creative-school-1/