Chuyện Trí Nhớ – “Bạn Không Thể Quên Được Con Voi”

You are currently viewing Chuyện Trí Nhớ – “Bạn Không Thể Quên Được Con Voi”
Đường lên nhà sách Eslite Tungnan

“Con voi vẫn sẽ luôn ở trong phòng” (The elephant is always in the room)Patrice Potvin, giáo sư ở Université du Québec à Montréal bảo thế sau khi kể chuyện về một loạt nghiên cứu khoa học thần kinh.

Bộ nhớ ngắn hạn

Bộ nhớ ngắn hạn của não có dung lượng nhỏ, chỉ chứa được một ít các thành phần thông tin thôi. Không chỉ vậy, tất cả thông tin lưu trong bộ nhớ ngắn hạn này một khi đã tiếp thu mà không được ôn tập gì cả sẽ biến mất cái vèo trong vòng 30 giây.

Bộ nhớ này được dùng để xử lý thông tin khi đang làm việc. Hồi bé khi học mặt chữ không nhớ nhiều được ngay nên đọc rất chậm. Để đọc phải đánh vần. Vờ i vi. U tờ út. Rờ út rút sắc rút. Vi-rút. Có thể não coi mỗi chữ + âm là một mẩu thông tin. Đọc xong có thể quên ngay.

Khi gặp lại nó thường xuyên hơn, lại còn biết thêm được ý nghĩa của nó. Dần dần những mẩu thông tin đó được chuyển sang bộ nhớ dài hạn.

Bộ nhớ dài hạn

Chúng ta thành thạo trong một lĩnh vực nhờ bộ nhớ dài hạn đã tích trữ được một đống thông tin liên quan. Những chuyên gia giải quyết vấn đề ngon lành nhờ đã có một bề dày “kinh nghiệm” lưu trong bộ nhớ dài hạn như thể có một cái menu trong đầu. Đấy, việc A thì chọn cách B thì mới có thể C được.

Nghiên cứu trên những cao thủ cờ vua kỳ cựu đã xác nhận điều này. Họ xuất sắc hơn những tay mới chơi nhờ có thể gợi nhớ được nhiều thế cờ đã gặp qua nhiều lần thi đấu. Những kết quả tương tự cũng thu được trong nhiều lĩnh vực khác.

Không thể quên được

Trẻ biết mây từ nhỏ. Có thể ai đó dạy rằng mây là nước dạng hơi đó. “Mây là nước dạng hơi”. Đi đâu cũng thấy mây, trẻ dần dần chuyển vào bộ nhớ dài hạn. Khi giáo viên dạy cho trẻ biết “mây không phải là hơi nước, mà là giọt nước li ti”, trẻ có thể chấp nhận nó khi đi thi. Ừ mây không phải là hơi nước, mà là giọt nước li ti.

Nhưng khi được quét não và hỏi lại câu này, người ta thấy hai vùng não có dấu hiệu phản ứng. Trẻ ghi nhớ cả hai khái niệm và tùy cơ ứng biến trả lời. Trẻ không thể quên. Ta không thể quên.

Nhiều khả năng giống như “con voi”, dù có mất trí nhớ như trong phim đi nữa, chắc ta cũng khó quên được “con virus” là gì.

Biết điều này để làm gì nhỉ? Nhiều khi mình cũng không thể quên bài này khi nó bị phủ nhận :)) Nhưng link nó với bài Learning How To Learn ở đây thì có thể hữu ích.

Đến đây thì mình hơi nghi ngờ về những ứng dụng “tăng trí nhớ”. Ví dụ, nhớ con số, hình ảnh khác với nhớ kiến thức liên quan chứ nhỉ?

Áp dụng như nào?

Để trẻ tự bơi kiểu “con nghĩ đi, mẹ không biết” phải dựa vào nền tảng của chúng. Liệu chúng đã biết về “cái đó” chưa? Biết ở mức nào? Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng để trẻ độc lập hoàn toàn hiệu quả kém hơn hẳn việc đưa ra chỉ dẫn trực tiếp.

Việc học ngoại ngữ mới đầu sẽ khó. Cần phải chấp nhận mình sẽ một chữ bẻ đôi cũng không biết. Dần dần từ từ thôi.

Đọc vài cuốn sách thấy rời rạc nhưng đọc càng nhiều sẽ càng thấy được một bức tranh chung nào đó. Chưa thấy rõ, phải tô màu thêm đã.

Bộ nhớ ngắn hạn thì … có hạn. Đừng dùng để ghi nhớ những gì có thể lưu ở chỗ khác: sự kiện, công việc, … hãy ghi lại ở đâu đó.

Tìm cách chuyển những thứ quan trọng vào bộ nhớ dài hạn: tiếp xúc nhiều với kiến thức đó, truyền đạt lại cho người khác, viết lại để tổ chức thông tin, … Ý nghĩa của việc luyện tập nhiều lần có thể cũng bắt nguồn từ đây.

Tài liệu tham khảo

Peterson and Peterson (1959)
Miller (1956)
Jefferies et al (1981)
Kirschner et al (2006)
Potvin (ICSE 2019)

The Too Blue Scientist

Leave a Reply