Học cách học – Learning How To Learn

You are currently viewing Học cách học – Learning How To Learn
Mon và sách

Tháng 3 và 4 vừa rồi mình học được hai thứ mới. Một là học bơi sau bao nhiêu năm chần chừ và đã thành công. Giờ mình thích đi bơi lắm nên tuần nào cũng sắp xếp vài tiếng bơi. Hai là học một khóa MOOC đáng giá. Khi vào Quora hỏi thì thấy Learning How To Learn của Dr. Barbara OakleyDr. Terry Sejnowski đứng đầu danh sách của khá nhiều người. Biết đây đúng là khóa mình muốn học lúc này nên đăng ký ngay. Mình viết bài này một phần để chia sẻ những ý tưởng mà mình tâm đắc nhất từ khóa học, phần còn lại là để ôn bài. Mình không đảm bảo nhớ và ghi đúng hết những từ ngữ chuyên môn mà hiểu sao viết vậy, có sai mình sẽ sửa ngay. 

Làm những việc mới mẻ như học thêm những lĩnh vực khác ngoài chuyên môn không những thú vị mà còn có lợi cho não. Ngoài ra, phần tài liệu tham khảo của khóa học rất nhiều, tuy toàn tiếng Anh nhưng bù lại bạn sẽ có cơ hội đọc những bài báo thường thức dựa trên nghiên cứu hẳn hoi.

Chế độ tập trung và Chế độ phân tán (Focus Mode và Diffused Mode)

focus.jpg

Não có hai chế độ làm việc là chế độ tập trungchế độ phân tán “loạn xạ”. Chế độ “tập trung” chắc chúng ta đều quen thuộc rồi. Bạn tập trung khi tâm trí bạn hoàn toàn để ý vào việc bạn đang làm, không hề muốn ai hay tiếng ồn ào nào ngắt quãng. Khi “bật” chế độ này, não có thể giải quyết được những vấn đề quen thuộc một cách tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều lúc nó lại “bí” trước những tình huống lạ. Hồi xưa học đại học mình thường xuyên ngồi chết lặng nhiều phút trước những bài tập khó, làm đi làm lại mãi không xong nên đành mở phần bài giải ra để “đọc – hiểu”. Chà, thế là mình rơi vào một cái bẫy là “đọc thấy hiểu rồi nên qua bài khác”, chết chưa?!

400px-Ley_lines.svg.png

Chế độ phân tán thì ngược lại. Bạn có thể không tập trung lắm vào vấn đề đang bí, tạm thời bỏ nó qua một bên rồi đi tắm, đi bộ hay đi ngủ. (Ơ thế bỏ đấy thì sao làm xong?) Vậy mà truyện kể rằng rất nhiều nhà phát minh khi vừa dừng tập trung, chợp mắt vài phút và “Eureka!” sinh ra sáng kiến. Khi ở chế độ này, não hoạt động một cách thư giãn và thoáng đãng chứ không gò bó, đem lại cho người ta góc nhìn rộng và sáng tạo hơn. Nhiều vùng trong não nằm ngoài vùng tập trung nay được kích thích và cùng cộng hưởng tạo ra giải pháp.

Hai chế độ này của não giống như hai mặt của một đồng xu, không bao giờ xuất hiện đồng thời. Hãy cố gắng tạo điều kiện cho não nhảy qua lại giữa hai chế độ nhé.

Gợi nhớ (Recall)

29428436431_c12484fd8c_b
Thang tư duy Bloom

Trước hết phải khẳng định rằng Nhớ, nằm ở bậc thấp nhất của một số thang tư duy như của Bloom, rất quan trọng. Hồi xưa học bài, mình hay có cảm giác rằng dù đọc bài, làm bài một cách say sưa nhưng chả có chữ nào vào đầu. Bây giờ thỉnh thoảng khi đọc sách tiếng Anh mình cũng bị như vậy. Đọc lướt nhanh nhanh nhưng khi tự hỏi lại nội dung thì không nhớ và tổng hợp được gì. Hóa ra là trí nhớ được chia làm trí nhớ dài hạn (Long Term Memory – LTM) và trí nhớ làm việc (Working Memory – WM). Trí nhớ làm việc ngắn hạn và ít chỗ nên nhiệm vụ chính là nạp và xả các dữ liệu của công việc mình đang làm. Nó không thể lưu trữ quá nhiều trong một thời gian dài vì như thế chả làm gì tiếp được. Vì vậy, cần phải đưa dữ liệu từ WM vào LTM, cất chúng ở trong đó bằng một số loại chìa khóa, chẳng hạn như tưởng tượng hình ảnh tương đồng hoặc từ khóa. Khi nào may áo giáp sắt… Ha, bạn biết mình muốn nói gì rồi đấy. Hoặc là lưu dữ liệu ở đâu đó bên ngoài não bộ để giải phóng WM.

Đây chính là nguồn gốc của bí kíp triệu đô: Vào buổi tối trước khi đi ngủ, hãy liệt kê ra khoảng 5 đầu việc ngày mai phải làm. Hiện giờ, mình đang thử nghiệm phân chia ngân sách, tức là xem tháng đó tiêu bao nhiêu vào việc gì. Ngày nào mua đồ mà không lưu lại ngay mình thấy não rất … nặng. Nhưng chỉ cần ghi tạm dãy số tiền vào điện thoại là mình có thể nhớ lại dễ dàng hoàn cảnh và lý do tiêu xài khi nhập dữ liệu. Việc ghi chép cũng phát huy tác dụng lớn trong rèn luyện trí nhớ não bộ. Sau mỗi sự kiện gì đặc biệt, bạn có thể tóm tắt lại nội dung trong vòng 30 giây (con số này quan trọng) như trong bài báo Huffington Post này đề cập.

Vai trò của việc luyện tập và lặp đi lặp lại

Mình có từng tập huấn cho các bạn sinh viên ở Physics is Magic về vai trò của việc luyện tập. Nơron thần kinh dẫn truyền tín hiệu điện trong não. Mình thành thạo một kĩ năng nào đó (như đánh máy, đạp xe, giải bài tập, …) là do khi động đến nó, tín hiệu điện truyền trong não cực tốt làm cho loạt các vùng trong não bộ hưởng ứng đồng thời để thực hiện việc đó. Vì vậy, khi mình chưa làm được một việc gì không phải do mình dở, mà là do mình chưa luyện tập đủ nhiều để hình thành nên vỏ bọc của nơron giúp truyền tín hiệu điện một cách hiệu quả.

Nếu học sinh chưa làm tốt một kỹ năng (dùng kéo, mỏ hàn, thắt nút cột dây, …) là do em ấy tập luyện chưa đủ, không phải lỗi về nhận thức. Giáo viên cần biết điều này để giảm bớt sức ép cho chính mình và học sinh rồi hướng dẫn em ấy luyện tập mà không nản chí. Đây cũng là ý chính của Tư duy phát triển (Growth Mindset) so với Tư duy cố định (Fixed Mindset).

Vai trò của tập thể dục đối với trí não

Từ khi đọc cuốn Luật Trí não của Dr. John Medina mình đã biết đến kiến thức này. Sau khi học xong khóa học và vận động thường xuyên hơn, mình lại càng khẳng định điều đó. Vì thế, luyện tập cơ thể để khỏe mạnh hơn và để học tốt hơn nha bạn :D.

Trích bài báo Why Walking Helps Us Think?
Trích bài báo Why Walking Helps Us Think?

Giải quyết việc trì hoãn (Tackle Procrastination)

Đây là một đề tài hấp dẫn và luôn nóng hổi. Mình đã từng trì hoãn ghê gớm khi học IELTS và apply học cao học. Khi hoàn thành đơn đăng ký và bấm nộp, đồng hồ trên trang web báo rằng kể từ khi đăng ký đến khi bấm nộp, mình mất đến hơn một năm ròng @@. Không thể tin nổi.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến trì hoãn là việc não chúng ta hiểu việc làm một việc gì đó ra kết quả cực khổ tương đương với khi chịu đau đớn về mặt thể xác. Vì thế mà nó có xu hướng tránh nó được càng lâu càng tốt. Không trách não được. Trong cuốn Gieo thói quen nhỏ, gặt thành công lớn, tác giả cho rằng khi càng sử dụng ý chí mạnh mẽ để bắt mình đối đầu với thử thách trong suốt quá trình làm việc, chúng ta sẽ càng thấy mệt mỏi và kém hiệu quả.

images

Trong khóa học này, Dr. Barbara Oakley có giới thiệu về Zombie Mode của não, tức là chế độ não làm việc không cần nhiều ý chí mà theo thói quen. Để bật nó lên, bạn chỉ cần trả cho Zombie một chút ý chí bằng cách tập trung vào quá trình (Process) thay vì kết quả (Product). Một trong những công cụ để làm việc này là Pomodoro. Để viết blog, mình sẽ không đặt mục tiêu viết liền tù tì 1500 chữ (Cái gì, nhiều thế cơ á? Thôi để mai.) mà mình nghĩ sẽ chỉ dành khoảng 3 Pomodoros để làm, không xong mai làm tiếp. Thế mà khi viết xong bài này, mình mất khoảng 4 lần làm việc dài (màu đỏ) xen giữa những khoảng nghỉ 5 phút và 15 phút (màu xanh). Nhiều khi làm còn không muốn nghỉ cơ.

Screenshot_2
Đồng hồ Pomodoro của mình khi viết bài này.

Mẹo viết (Writing Tips) – Bạn đọc đoạn này sẽ thấy.

Ý tưởng lớn cuối cùng mà mình được khuyên muốn chia sẻ đi ngược lại với những gì mình biết khi học viết văn và học IELTS, đó là lập dàn ý. Khi viết (văn chương hay khoa học) đều yêu cầu sự sáng tạo ra  và tập trung đồng thời. Nghĩa là trí não phải nhảy qua lại liên tục giữa Diffused Mode và Focus Mode hai chế độ đã nói ở đầu. Khi bạn viết ta viết, trí sáng tạo của bạn đang hoạt động, hàng loạt ý tưởng trôi dạt ra theo ưt2n từng nét chữ và tiếng đánh máy. Nếu lúc này bạn đọc lại và sửa những gì mình viết để đảm bảo theo đúng outline, não sẽ sang chế độ tập trung và khó trở lại chế độ phân tán. Nhiều lúc bạn (giống mình) có thể mất hàng chục phút chỉ để viết ra một dòng status trên Facebook có thể cũng vì lý do này.

to-do list

Trong khóa học, Barbara có trò chuyện cùng một chuyên gia về viết lách. Cô ấy có khuyên chúng ta không nên lập dàn ý logic và chỉnh sửa vội mà hãy cứ để não làm việc ở chế độ phân tán rồi sau đó chuyển sang chế độ logic bắt lỗi sau. Thậm chí, có nhiều phần mềm hay cách giúp bạn bỏ luyện tập hạn chế tật xấu “viết rồi sửa ngay” như: WriteOrDie
hay tắt hẳn màn hình máy tính đi vaào gõ như mình đang gõ nè. Haha.

Còn rất nhiều điều thú vị nữa nhưng mình không ghi hết ở đây được. Gần đây mình đọc ké cuốn sách hướng dẫn học sinh hoạt động Shut up!, tác giả nhắc đến một số điều mình đã được học nên hiểu ngay. Ngoài tiếng Anh, nội dung chính của khóa học còn có phụ đề tiếng Việt. Mình tin rằng bạn sẽ có những trải nghiệm và kiến thức bổ ích sau 4 tuần học khóa học này.

Cảm ơn bạn đã đọc bài.

Chúc não của bạn thật khỏe mạnh và học được thật nhiều,

Hải Nguyễn

This Post Has 9 Comments

  1. Quang Pham

    Cảm ơn bạn. Nhờ review của cậu mình phải nên học lại khóa này 1 lần nữa để hiểu và áp dụng cho cuộc sống.
    Website cậu đúng là của 1 người theo chủ nghĩa minimalism á. À chắc cậu có viết bài trên Spiderum hả. Lý do lần ra web cậu là tớ đang muốn xây lại cho mình nền tảng về Thinking Skills, Learning Skills để học sao cho vừa có chiều rộng, chiều sâu và có được sự sâu sắc cũng như chính kiến trước các vấn đề của cuộc sống cũng như biết cách định hướng ra quyết định cho chính mình.

    À, tớ cũng là fan cứng của cụ Cần. Nhưng sách cụ Cần không phải dạng dễ nuốt tuy nó mỏng. hihi.

    1. entropy

      Chào Quang,
      Cảm ơn bạn đã chia sẻ về định hướng tự học của bạn. Mình nghĩ rằng một trong những kỹ năng quan trọng nhất của con người là muốn học và tự học. Khi có mục tiêu, ý thích hay nhu cầu rồi thì việc học diễn ra rất thú vị đúng không?
      Ngoài các khóa MOOC ra, mình còn hay đọc sách và dùng podcast nữa. Tuy nhiên, mình thấy rằng tiếp thu thụ động cũng cần vừa phải và cần áp dụng càng sớm càng tốt những gì học được thì sẽ thúc đẩy chính mình hơn.

      Chúc bạn tiếp tục và có gì thú vị nhớ chia sẻ cho cộng đồng nhé.

    2. Thuận Nguyễn

      các bạn có thể tìm ra các phương pháp học hiệu quả hơn từ cuốn a mind for numbers của Dr. Barbara Oakley

      1. Thuận Nguyễn

        úi giời ạ đang đọc bài này thấy đói quá mò xuống bếp ăn, vừa ăn xong lên đọc tiếp thì tự nhiên mình thấy thắc mắc:”không biết nên ăn xong rồi học hay học rồi mới ăn tốt hơn? Kiểu như trước khi học phải tập thể dục chằng hạn”

Leave a Reply