(Bài dịch) Cuộc chiến giành lại sự chú tâm – Phần 2

You are currently viewing (Bài dịch) Cuộc chiến giành lại sự chú tâm – Phần 2

Đây là phần hai, bản dịch của The Too Blue Scientist. Bạn có thể đọc bài viết gốc tại địa chỉ: https://www.newyorker.com/magazine/2024/05/06/the-battle-for-attention. Tranh minh hoạ: tác phẩm They Did Not Expect Him của Ilya Repin.

Đọc phần 1 ở đây.

Buổi sáng Chủ nhật nọ, tôi nhận được tin nhắn khó hiểu từ Stevie Knauss, một nghệ sĩ biểu diễn tôi không quen: “Anh tới khu vực này trong bản đồ mình gặp nhau chút đi.” Tin nhắn đính kèm hình ảnh vệ tinh Google khu vực xung quanh Phố 155 và Broadway, với một mũi tên màu đỏ chỉ vào Thư viện & Bảo tàng Xã hội Mỹ Latin.

Ngồi trên tàu điện, tôi nhận thêm một định vị bằng tính năng Find My iPhone từ Knauss. Lần theo dấu chỉ, ngang qua Audubon Terrace– quảng trường được đặt theo tên một nghệ sĩ và nhà điểu học thế kỷ XIX– tôi vào phòng trưng bày của Hiệp hội Mỹ Latin. Mất một lúc để mắt tôi tự điều chỉnh. Điện thoại báo Knauss đang ở đây. Một phụ nữ trẻ, mặc áo phông đen, ngồi trên băng ghế quay lưng về phía tôi đang chăm chú ngắm một bức tranh. Tôi đến ngồi cạnh cô ấy. “Chị phải Stevie không?” Tôi hỏi.

Cô ấy mặc chiếc quần Dickies ống thụng màu xanh lá cây, đôi bốt da cao cổ buộc dây và đôi khuyên tai bất đối xứng lủng lẳng. Cô quay lại nhìn tôi rồi tiếp tục ngắm tranh.

Knauss tự nhận mình là sứ giả của Hội Đệ Tam Điểu và bắt đầu kể về cách Hội hoạt động: “Thực hành này kéo dài 28 phút – gồm bốn phần, mỗi phần bảy phút. Một tiếng chuông sẽ báo hiệu chuyển từ phần này sang phần khác.”

Knauss kể, những Điểu viên được triệu tập có thể chưa từng gặp nhau trước đây. Các đề bài được gửi qua email từ các tài khoản bí danh—chính cô cũng nghe phổ biến từ một người nhận mình là “Chim Vẹo Mỏ [Wrybill] Wrybillius”. Bất kỳ Điểu viên nào cũng có thể gợi ý đề bài; Hội không phân quyền và không có ai quản lý. Những Điểu viên hiện tại tự quyết định mời thêm người mới. Bằng cách này, Hội từ từ kết nạp thêm thành viên vào các chi hội địa phương, gọi là volées. Không ai biết chắc có bao nhiêu Điểu viên trên thế giới – nghe đồn riêng New York thôi đã có hàng trăm volées chồng chập lên nhau. Nhiều hoạt động của Hội đã diễn ra ở những nơi xa xôi như Hàn Quốc, Galápagos [Ecuador] hay Kansas [Hoa Kỳ].

Knauss để mắt tới vài người đi ngang qua. Cô nói: “Giai đoạn bảy phút đầu tiên gọi là Gặp gỡ [Encounter]. Giống khi vừa đến một buổi tiệc, người ta hay nhìn quanh.” Điều đầu tiên khi các Điểu viên đến địa điểm thực hiện bài tập là lượn quanh. Chủ thể của bài tập hiếm khi được xác định trước, nhưng thường thì đó là tác phẩm trông có vẻ hẩm hiu nhất trong tầm mắt. (“Trong bảo tàng, chủ thể rất có khi là một bức tranh đặt cạnh nhà vệ sinh hoặc treo trên bức tường đối diện với ‘Mona Lisa’,” Burnett từng nói.) Trong email thường không nhắc tên tác phẩm để các Điểu viên phải chú tâm mới thấy. Những người không tìm được tác phẩm thì cứ đi theo đàn vậy.

Tiếng chuông đầu tiên vang lên báo hiệu đến giai đoạn tiếp theo, Chú tâm [Attending]. Knauss giải thích: “Nếu đi dự tiệc thì chắc lúc này anh đang bắt chuyện với người khác đây.” Tập trung trước tác phẩm, các Điểu viên đứng gần nhau thành từng cụm. Trong bảy phút, họ im lặng và hoàn toàn tập trung vào tác phẩm. Knauss dặn tôi ba điều không nên làm lúc này. “Một là kiểu chúng tôi hay gọi là studium–phân tích tác phẩm theo các nghiên cứu.” Hai là diễn giải tác phẩm và ba là phán xét. Nếu một Điểu viên khó chịu với tác phẩm (hoặc tác phẩm quá xấu đi), họ sẽ tạm đặt phản ứng đó sang một bên. Alyssa Loh, vợ Burnett và là một Điểu viên, nghĩ các nguyên tắc này giúp bảo vệ sự chú tâm của cô: “Một câu hỏi quen thuộc về các tác phẩm nghệ thuật là: Cái này có mục đích gì và người ta làm được gì với nó? Trong thực hành của Hội, chúng tôi chủ yếu trả lời theo kiểu phủ nhận—anh không thể hiểu nó hoàn toàn, không biết chắc nó có gì đẹp, không thể xác định chính xác nguồn gốc của nó, kiểu đây là tác phẩm đặc trưng cho thế kỷ nào đó không biết.” Anh cứ chú tâm thôi.

Tiếng chuông thứ hai báo bắt đầu pha Vô hiệu [Negation]. Giai đoạn này, các Điểu viên cố gắng xóa đối tượng khỏi tâm trí mình. Vài người tìm chỗ nằm xuống; vài người nhắm mắt lại. Bảy phút sau, ở tiếng chuông thứ ba, họ tập hợp lại theo cụm cho pha Chứng ngộ [Realizing].

Knauss nói, “Một cách để suy nghĩ ở pha Chứng ngộ là câu hỏi: Tác phẩm này cần thêm điều gì?” Trong một số trường hợp, câu trả lời rất cụ thể, như kiểu nên chuyển nó sang bức tường bên cạnh, nhưng thường thì các câu trả lời trừu tượng hơn. Chẳng hạn, một tác phẩm điêu khắc có khi cần một đứa bé leo lên. Hoặc như Knauss gợi ý, “tác phẩm có thể muốn anh nghe nó hát.” Khi tiếng chuông cuối cùng vang lên, các Điểu viên tản ra. Knauss nói: “Rời khỏi điểm hẹn, anh tìm một nơi yên tĩnh ngồi và viết ra trải nghiệm của mình trong bốn giai đoạn trước”.

Một lúc sau, các Điểu viên sẽ gặp ở đâu đó, thường là một quán cà phê cho pha Thảo luận [Colloquy]. Lúc này, lần lượt từng người mô tả lại những gì họ trải qua, những điều gây mất tập trung, hay đại loại thế. Một số Điểu viên coi Thảo luận là giai đoạn quan trọng nhất, phân biệt thực hành của Hội với các thực hành “chánh niệm” [Mindfulness] và những hoạt động chiêm nghiệm cá nhân khác. Colloquy thường mang lại nhiều điều thú vị. “Ở rất lâu trong một nhóm nhỏ để xem xét kĩ lưỡng một thứ đã lạ lắm rồi, thì nán lại để nói về những ấn tượng vi tế của mình và những liên tưởng chúng tạo ra thì còn bất thường hơn nữa,” Điểu viên Adam Jasper, một giáo sư lịch sử kiến ​​trúc tại Đại học Trung Hoa Hong Kong nói với tôi. “Qua mấy dịp gặp lại vài người từng ngắm tranh cùng mình, tôi đã hiểu hơn cách họ xử lý cảm xúc và tư duy.” Nhà văn Brad Fox thì mô tả trải nghiệm này là “nhìn thấy mọi người trong trạng thái tốt nhất của họ”.

Knauss đột nhiên vội vàng kiểm tra điện thoại. “Tôi sắp phải đi rồi,” cô nói. “Nhưng trước hết, theo truyền thống thì tôi cần truyền cho anh cái này.” Cô rút một mảnh vải màu vàng nghệ tây từ một con đỉa thắt lưng, xé một dải ra đưa cho tôi. Đây là cách các Điểu viên nhận ra nhau.

“Sau khi tôi đi, anh hãy bước qua cánh cửa bên tay trái, ra quảng trường rẽ phải.” Cô đứng dậy. “Tác phẩm sẽ ở bên trái anh.”

“Làm sao tôi biết đó là cái nào?” Tôi hỏi.

“Anh sẽ biết thôi,” Knauss bước đi.

Bên ngoài trời nắng chang chang, một bà mẹ chơi đùa với hai đứa con trong một tác phẩm sắp đặt màu vàng của Jesús Rafael Soto: đây không phải Điểu viên rồi. Một người đàn ông lớn tuổi đang ngồi trên ghế: có thể, nhưng chắc không phải đâu. Rồi tôi nhìn thấy họ: một người đàn ông cao gầy và một phụ nữ mang thai đang băng qua quảng trường. Trông họ không có gì đặc biệt, ngoại trừ dải màu nghệ tây giống của tôi. Những Điểu viên đây rồi.

Bất chấp những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hiện đại, hàng thế kỷ qua, sự chú tâm vẫn là con đường trao đổi văn minh nhân loại. Các triết gia khắc kỷ viết về prosochē–sự tỉnh giác, như một điều kiện tiên quyết của ý thức đạo đức. Nhà phân tâm học Freud gọi phương thức làm việc của ông là gleichschwebende Aufmerksamkeit, “sự chú tâm đồng đều”. Burnett thường trích dẫn biểu tượng của sự chú tâm theo Henry James trong tiểu thuyết “Đôi cánh bồ câu”, là một “chiếc cốc lớn rỗng không” đặt trên chiếc bàn ngăn cách vị bác sĩ bận rộn và người bệnh đau đớn. Burnettt mô tả sự chú tâm là “đâu đó ở giữa sự cống hiến và sự sẵn sàng chấp nhận.”

Nhiều người coi William James, anh trai của Henry James, là người đầu tiên đưa ra mô hình chú tâm toàn diện ở Mỹ. Trong một chương của cuốn “Các nguyên tắc tâm lý học” (1890), James miêu tả sự chú tâm như một tiến trình không ngừng. Khi ta đinh ninh mình đang nắm giữ nó, tâm trí đã kịp lao đi đến tận đâu rồi quay về. Sự chú tâm bền vững được tạo bởi một dòng chảy từng khoảnh khắc ta để tâm. Vì vậy, bất chấp sự phức tạp và đa dạng của thế giới, “chưa bao giờ nhiều ý tưởng đồng thời tồn tại trong tâm trí cả.” (Góc nhìn sâu sắc này đã định hình nền tảng triết học của James.) Khi ta nhìn một bức tượng, khối đá ấy có thay đổi đâu, nhưng tác phẩm nghệ thuật ta đang thấy thì có vì ta liên tục nhận ra những điều mới mẻ. Mô hình của James phản đối quan điểm cho rằng sự chú tâm chỉ đơn thuần là thứ bạn chi ra, độc lập khỏi những suy nghĩ lan man và mộng tưởng riêng mình.

Góc nhìn của James còn ẩn chứa một định nghĩa về nghệ thuật. Khách quan mà nói, bức tranh “Đêm đầy sao” của van Gogh chỉ là những vệt sơn trên canvas. Nếu không có khán giả, đem tranh lên mặt trăng chẳng hạn, nó chỉ là đồ đồng nát. Chỉ khi tôi dành sự chú tâm cho bức tranh (mang theo quá khứ của tôi, kiến ​​thức, thế giới quan, cách suy nghĩ và góc nhìn của tôi) thì nó mới trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Đây không có nghĩa là van Gogh bất tài, hay tôi tự phóng chiếu cái thiên tài của mình. Nó chỉ có nghĩa là một tác phẩm nghệ thuật không đơn thuần chỉ là một vật thể ngoại lai hay chỉ là hình ảnh tâm thức của người xem, mà là một thứ gì đó ở giữa, được tạo ra trong không gian chú tâm. Nhà phê bình nghệ thuật và nhà hoạt động chính trị người Brazil Mário Pedrosa đã viết về trải nghiệm này như một cuộc đối thoại giữa hình thức và nhận thức.

“Cái này dễ hiểu mà,” Len Nalencz, một Điểu viên khác nói với tôi. “Các Điểu viên sử dụng sự chú tâm như một nguyên liệu – y chang đất sét, đá cẩm thạch, sơn dầu, hay từ ngữ thôi. Anh sử dụng sự chú tâm của mình để tạo ra cái gì đó, nhưng chỉ anh mới nhìn thấy thứ mình làm ra. Và vì vậy, anh phải chuyển nó thành lời để chia sẻ.”

Nalencz làm trong công đoàn vài năm, còn hiện tại ông là giáo sư tiếng Anh tại Đại học Mount St. Vincent ở Bronx. Nhiều Điểu viên tôi gặp đều là học giả. Vài người trong số họ thất vọng vì dù đã thấu đáo lĩnh vực mình nghiên cứu nhưng lại dậm chân tại chỗ với nghệ thuật, thứ họ từng một thời hứng thú. Joanna Fiduccia, giáo sư lịch sử nghệ thuật tại Yale, nói với tôi, “Sử gia nghệ thuật Michael Ann Holly từng viết về nỗi u sầu mà các sử gia nghệ thuật đều rõ, rằng chúng ta sẽ không bao giờ thực sự hiểu được thứ thu hút mình. Rồi Hội Đệ Tam Điểu đến với tôi. Đây là cách để hoà mình vào tác phẩm nghệ thuật với tập thể hân hoan mà ý thức chủ quan và trải nghiệm cá nhân vẫn đơm nở.”

Điểu viên Jeff Dolven, giáo sư người Anh tại Princeton, cho biết: “Chúng tôi gặp một vấn đề là làm sao để hiện diện chú tâm trước một tác phẩm nghệ thuật? Gặp nhau rồi đây, giờ làm gì?” Giống kiểu ngại ngùng của tình yêu gà bông tuổi teen: ai cũng cảm thấy khác khác nhưng nếu không tìm được cách nào lên tiếng, ta sẽ chỉ im ỉm giả vờ bận bịu làm bài tập. Vì vậy, ai cần thì Hội sẽ cung cấp khung hướng dẫn, in trên giấy theo phong cách biểu tượng thường thấy ở những bộ bài tarot. “Hồi đầu tôi hơi khó chịu – kiểu đọc mấy font chữ cổ này không mệt à?” Gabriel Pérez-Barreiro, là một giảm tuyển, nói với tôi. “Nhưng sau nhiều năm thực hành chú tâm, tôi quan sát là càng được hướng dẫn kỹ thì trải nghiệm càng tự do hơn.”

Với thói quen khó bỏ của giới học thuật, một nhóm Điểu viên nhỏ đã lập nên một ấn bản kỳ lạ. Đầu thập kỷ trước, Burnett cùng vài đồng nghiệp bắt đầu viết và nhờ góp ý cho các bài báo cho một tạp chí bình duyệt giả tưởng, chuyên nghiên cứu về các Điểu viên. Lúc đầu, dự án để chia sẻ ý tưởng về Hội Đệ Tam Điểu mà không cần viết trực tiếp về nó. (Cũng như các Điểu viên khác, tôi được phép tham gia vào các bài tập của Hội chỉ khi tôi không đem những trải nghiệm đó lên báo. “Tớ lo sợ là,” một Điểu viên lâu năm nửa đùa nửa thật với tôi, “mọi người sẽ nhầm lẫn cái mô tả của sự vật với chính sự vật đó.”) Nhiều người thích viết cho tạp chí giả tưởng này, có khi còn thích hơn công việc chính của họ. Tạp chí này là phát ngôn của tổ chức gọi là Hiệp hội Thẩm mỹ về Chứng ngộ Siêu việt và Ứng dụng (hiện đã hợp nhất với Hiệp hội Chứng ngộ Thẩm mỹ)— viết tắt là ESTAR(SER). Năm 2021, Burnett cùng hai biên tập viên khác tuyển chọn các bài viết và hoàn thành một cuốn sách dài hơn 750 trang.

Cuốn sách “Truy tìm con chim thứ ba” được thể hiện bằng giọng văn của những nhà nghiên cứu kém may mắn đang cố gắng truy lùng Hội Đệ Tam Điểu bí ẩn. Các bài báo không hẳn là hư cấu thuần túy—do chứa đựng nhiều nghiên cứu có thật về sự tập trung—nhưng chúng cũng không hoàn toàn khách quan. Các dữ kiện lịch sử giả định [counterfactual histories] được thêm vào, chồng chéo lẫn nhau. Một số bài do các học giả thực sự viết, nhưng nhiều bài khác do những tác giả có bút danh … chim chóc (“Hải Âu [Molly] Gottstauk”) kèm tiểu sử rất phi lý đứng tên. Justin Smith-Ruiu, một nhà văn và giáo sư tại Đại học Paris Cité, đồng thời là một biên tập viên của cuốn sách, giới thiệu với tôi “định hướng tạo dựng thế giới” của nó. Smith-Ruiu nói: “Ý tưởng của chúng tôi là biến thực hành nghiên cứu học thuật thành một loại hình nghệ thuật”.

Chính nhiều thành viên trong Hội Đệ Tam Điểu còn nghĩ những ấn phẩm của ESTAR(SER) là hơi hào nhoáng. “Làm cuốn sách này tốn công kinh khủng, nhưng hiệu ứng của nó, ừ thì, cũng chẳng là bao.” Adam Jasper nói. “Điều này lại phù hợp với đặc trưng của Hội, không quá quan trọng đầu vào và đầu ra.” Song, thật kỳ lạ khi trang web ESTAR(SER)— từ viết tắt này là hai dạng của động từ “to be” trong tiếng Tây Ban Nha, rất khó tìm thấy trên Google—lại trở thành cổng thông tin công khai của Hội Đệ Tam Điểu, thu hút lời mời giảng và triển lãm trên khắp cả nước [Hoa Kỳ]. (Năm ngoái, hiệp hội có một triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Frye ở Seattle; mùa xuân năm nay thì tại Phòng trưng bày Tribeca.) Sự kỳ lạ này là có chủ đích. Catherine L. Hansen, giáo sư Đại học Tokyo và là biên tập viên còn lại của cuốn sách, gọi dự án là màn trình diễn thách thức giới hạn học thuật của các ngành nhân văn thế kỷ XXI – khi ngành này cố gắng giải mã óc tưởng tượng của con người với tiêu chuẩn khách quan của khoa học.

“Quan sát thế giới hiện giờ, tôi cảm thấy có thứ gì đó đang dần mất đi hoặc bị ngấm ngầm phá hoại,” Catherine nói với tôi. “Có khi là sự chú tâm. Có khi là trí tưởng tượng.” Cô nghĩ một lúc rồi nói tiếp. “Đôi khi lại là cảm giác thứ tôi mong muốn khi theo đuổi ngành Ngôn ngữ Anh, thứ gì đó nửa mơ nửa thực mà tôi đã nghĩ mình sẽ trở thành. Dù là gì đi nữa, nó đang bị tấn công.”

Một chiều nọ, tôi ghé vào một cửa hàng Apple để thử chiếc kính tăng cường thực tế ảo Apple Vision Pro. Tôi đã thấy trên YouTube nhiều người đi lang thang trong thế giới của kính, tương tác với các vật thể vô hình bằng đôi tay và những cử chỉ kì quái. Khi đeo kính vào, dưới sự hỗ trợ của một nhân viên, tôi thấy mình mắc kẹt trong một thế giới mà sự chú tâm vừa thụ động vừa chủ động hơn mức bình thường. Thế giới trong chiếc kính dường như đã được bày sẵn để tôi khám phá: tôi được mang từ Iceland đầy tuyết đến bờ hồ gần Núi Hood. Phong cảnh yên tĩnh và hoàn hảo với không một sinh vật nào khác trong tầm nhìn. Các phong cảnh đến và đi theo ý tôi điều khiển bằng một nút ở gần mắt. Tới đoạn video 3D cảnh một cô gái thổi nến trên chiếc bánh sinh nhật, lòng tôi tan nát vì cảm giác cô đơn. Tôi cảm thấy như thể mình là con người cuối cùng trên Trái Đất.

Tiếp đó, bất cứ khi nào tôi đảo mắt, thứ gì đó sẽ xảy ra. Tôi mở Microsoft Word, một bàn phím nổi lên. Bạn nhân viên nói tôi thử gõ bằng mắt. Tôi ĐÃ, à không, Đ-Ã đưa ánh mắt mình chạy từ chữ cái này sang chữ cái khác. Ai từng gõ bàn phím cảm ứng trong khi nhìn quanh nhà thì cảm giác đắm chìm trong mỗi con chữ như này siêu thực lắm, chắc giống như ngồi lái xe máy từ chỗ trục cam động cơ vậy.

Ý tưởng theo dõi sự chú tâm trực quan qua chuyển động của đôi mắt xuất phát từ hơn một thế kỷ trước. Từ những năm 1870, Louis émile Javal, một bác sĩ nhãn khoa người Pháp mắc bệnh tăng nhãn áp, bắt đầu nghiên cứu các chuyển động vi tế của mắt để hiểu về cách người ta đọc chữ. Louis gọi chuyển động giật cục của mắt là “saccades”, từ mô tả chuyển động giật của con ngựa khi bị ghì cương. Giữa thế kỷ XX, nhà tâm lý học Liên Xô Alfred Yarbus né Kraćkowski dùng những cặp kính áp tròng đặc biệt ghi lại chuyển động của mắt người tham gia và dõi theo cách đôi mắt họ ngắm một bức tranh. Bí ẩn đằng sau cách người ta chú tâm đến tác phẩm nghệ thuật là điều khoa học chưa từng để mắt đến trước đó. Trong thí nghiệm nổi tiếng nhất của mình, Yarbus sử dụng bức tranh “Họ không nghĩ anh sẽ về” của danh hoạ Ilya Repin, một bức tranh hiện thực mô tả một nhà cách mạng Nga đoàn tụ với gia đình mình. Người xem được yêu cầu ngắm bức tranh theo hai cách: ngắm tự do và theo gợi ý. Theo đó, quá trình chú tâm của họ liên tục thay đổi. [Những gợi ý khác nhau -> chú tâm vào nơi khác nhau -> mắt di chuyển khác nhau]. Ở Liên Xô, kết quả thí nghiệm này có thể dùng để nói lên sức mạnh của giáo dục xã hội. Còn ở phương Tây bấy giờ, quan niệm về sự chú tâm của mắt bắt đầu gây chú ý trong thương mại. Những thập kỷ gần đây, các nhà nghiên cứu và công ty quảng cáo đã cải tiến kỹ thuật Yarbus, thay vì dùng kính áp tròng, họ chuyển sang theo dõi mắt bằng công nghệ tia hồng ngoại, thứ cũng có trong kính Apple Vision Pro.

Nhưng người ta sẽ nhìn thấy những gì họ đang tìm kiếm. Một giả thuyết về cuộc khủng hoảng chú tâm cho rằng đây thực ra là cuộc khủng hoảng về mặt đo lường. Vì ta tập trung vào những manh mối liên quan tới mắt thì phạm vi hiểu biết về sự chú tâm chỉ xác định tới đó. Nếu “sự chú tâm” khơi mào một cuộc chiến giành lấy ánh nhìn tức thời của chúng ta, thì ánh nhìn ấy trở thành một mặt hàng có giá trị, hơn hẳn một tâm trí lăn tăn chầm chậm.

“Khi coi sự chú tâm như một đối tượng trao đổi giữa người với người thì nền tảng khoa học ta dùng đều nhắm tới đo lường đối tượng này,” Mike Follett nói với tôi. Anh là giám đốc điều hành của Lumen Research, công ty tuyên bố nắm giữ bộ dữ liệu theo dõi mắt lớn nhất thế giới. Trong thập kỷ qua, hơn nửa triệu người đã tham gia vào các nghiên cứu của Lumen (họ được trả tiền). Chính Lumen cung cấp phần lớn dữ liệu thô về sự chú tâm sử dụng trong các mô hình của Dentsu. Ban đầu, Lumen gửi bộ dụng cụ hồng ngoại theo dõi chuyển động mắt tới tay người tham gia, nhưng quá trình này rất phiền phức. Vì vậy, họ tạo ra một ứng dụng dùng camera trên điện thoại thông minh để đo ánh sáng phản chiếu lóe lên từ mắt. Follett nói: “Giờ thì chúng tôi có thể huy động hàng nghìn người thực hiện một dự án nghiên cứu chỉ trong một buổi chiều. Chúng tôi quan sát được có bao nhiêu người đã xem quảng cáo trong bao lâu, ai nhấp vào quảng cáo, và nếu nhấp vào thì họ có mua hàng không.”

Tuy nhiên, Follett nói, tâm trí không đơn thuần chỉ có đôi mắt. “Theo dõi mắt không phải là theo dõi sự chú tâm. Anh có thể nhìn mà không thấy và thấy mà không cần nhìn đấy thôi.”

Các ngôn ngữ cơ thể khác thể hiện sự chú tâm theo nhiều cách khác nhau. Người ta xem TV với tư thế khác với khi dùng điện thoại hoặc máy tính xách tay, đọc một bài báo dài kỳ khác với khi tìm kiếm chuyến bay đến Paris. Càng nhiều loại dữ liệu được đưa vào khoa học thì bức tranh về sự chú tâm càng bí ẩn và ngạc nhiên. Theo nhiều phép đo, Follett cho biết, một trong những môi trường quảng cáo kém nhất là mạng xã hội: “Người ta cuộn trang quá nhanh, y như máy đánh bạc ở Vegas—chẳng lạ gì khi không ai xem quảng cáo trên đấy.” Theo dữ liệu Follett có, một trong những không gian quảng cáo giá trị nhất lại nằm trong những bài báo dài và hấp dẫn, do các nhà xuất bản đáng tin cậy đăng tải.

Anh giải thích: “Hóa ra sự chú tâm đến quảng cáo phụ thuộc vào sự chú tâm đến nội dung”. Tập hợp những nội dung dở có thể gây ra ảo giác sự chú tâm bị rút ngắn. “Có thể người ta không có thời gian xem một quảng cáo dài 36 giây—hoặc họ chỉ không xem nó trên Facebook,” anh tiếp tục. “Nên Facebook phản ứng bằng cách phát triển các sản phẩm quảng cáo cố gây chú ý, dài chừng năm tới sáu giây.” Theo cách này, các nền tảng tự tạo ra cho mình một hệ sinh thái càng khan hiếm sự chú tâm. “Tôi không biết đây là con gà hay quả trứng nữa,” Follett nói.

(còn phần cuối)

Leave a Reply