Tuần lễ khoa học Berlin lên 8: Một hình mẫu truyền thông khoa học quốc tế

You are currently viewing Tuần lễ khoa học Berlin lên 8: Một hình mẫu truyền thông khoa học quốc tế

(Bài viết này là bản Writer’s Cut của bài Miên man hội hè khoa học, được đăng trên báo Tuổi trẻ Cuối tuần, số ra ngày 03/12/2023. Mời bạn đọc săn báo tại số ít các sạp báo sót lại trên toàn cầu.)

Điều gì khiến Tuần lễ khoa học Berlin được coi như là một UEFA Champions League trong giới truyền thông khoa học toàn cầu? Việt Nam có thể học được gì từ việc kết hợp tinh thần lễ hội, sự xúc chạm của nghệ thuật với tri thức khoa học?

“Dám tri nhận”

Theo báo cáo Eurobarometer năm 2021 của Ủy ban Châu Âu, tình trạng từ chối tin tưởng khoa học (science denial) ở khu vực này đang ở khoảng 20-30% dân số và chưa có dấu hiệu giảm, nhất là trong bối cảnh tin thất thiệt đang lan truyền nhanh chóng khắp mạng xã hội. Trong tình thế đó, việc truyền thông khoa học ở các quốc gia châu Âu, trong đó có Đức, mang một sứ mệnh đặc biệt trong việc kết nối tri thức khoa học với các quyết định chính trị và xã hội. Từ những ngày đầu ra đời năm 2016, câu hỏi nền tảng của Tuần lễ khoa học Berlin đã luôn là: chúng ta có dám tri nhận không, có dám húc đổ bức tường nhận thức hiện có của mình để hiểu biết thêm không?

Trong tư thế ngồi thẳng, TS. Luiza Bengtsson nở một nụ cười thường trực trong suốt buổi họp báo khai mạc. Bà đã sẵn sàng cho Tuần lễ khoa học Berlin đầu tiên của mình trong cương vị người chịu trách nhiệm chính. Luiza vốn là nhà khoa học ngành Hóa-Sinh, giờ rẽ sang hướng truyền thông khoa học. Bà dịch chuyển sự tò mò từ việc tìm hiểu các đường truyền tín hiệu trong tế bào người, sang việc thực sự tạo ra các kênh đối thoại giữa khoa học và toàn xã hội. Mắt Luiza sáng lên khi kể tôi nghe về những điểm nổi bật trong lễ hội lần thứ 8 này.

(TS. Luiza Bengtsson, Trưởng Ban Tổ chức Tuần lễ khoa học Berlin 2023. Ảnh do BTC cung cấp.)

“Câu chuyện ta kể, Tương lai ta sống”

Tốc độ phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ ngày càng khơi thêm nhiều khám phá mới của loài người về thế giới xung quanh. Không ai biết chắc điều gì chờ đón chúng ta ở tương lai, nhưng manh mối thì đã sẵn đây. Chuỗi triển lãm CAMPUS xoay quanh “Câu chuyện ta kể, Tương lai ta sống.” Chúng ta định hình tương lai loài người bằng những hành động và những câu chuyện mình kể nhau nghe ở hiện tại. Để sinh tồn, loài người sẽ cần tới kiến thức gì, và ai sẽ khám phá ra những kiến thức ấy?

Trong chỉ hai ngày 3 và 4 tháng 11, không gian rộng lớn bên trong Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Berlin cổ kính, nơi diễn ra triển lãm CAMPUS, đã đón tiếp tới 10.000 lượt khách tham quan. CAMPUS tạo ra những không gian truyền thông giữa các khối xã hội dân sự, nghệ thuật và công nghệ, với khoa học là tiếng nói chung.

Tại CAMPUS, những cuộc đối thoại vượt xa khuôn khổ thông thường. Qua các gian hàng tương tác – thực nghiệm, triển lãm, phiên bài giảng đại chúng, buổi chiếu phim tài liệu, khán giả được cập nhật những kiến thức mới nhất mang ra khỏi phòng thí nghiệm và sát sườn với cuộc sống. Những câu hỏi ít khi người ta tự hỏi đã xuất hiện: Làm sao để không chỉ tập trung vào mỗi việc hiện đại hóa thành phố, mà còn sinh thái hóa, bản địa hóa thành phố nữa? Hay chúng ta có thực sự đúng khi tìm mọi cách tiêu diệt muỗi? Hay tri thức tới từ đâu, việc cho phép tư hữu tri thức có lợi hay bất lợi gì cho xã hội?

TS. Subham Mukherjee, một nhà khoa học người Ấn Độ đang nghiên cứu về An ninh nước đô thị ven biển tại đại học Freie Berlin (Đức) và đại học Hebrew (Israel), tới Tuần lễ khoa học Berlin trong vai trò là một diễn giả. Subham giới thiệu góc nhìn về chủ đề Hệ sinh thái đô thị dưới góc nhìn của tính dục thiểu số (Queering Urban Ecosystem). “Khán giả tò mò về chủ đề lắm, vì nó buộc họ phải suy nghĩ lại về tính liên tầng, giao thoa giữa các giới trong bối cảnh hệ sinh thái đô thị và cả trong khoa học,” Subham chia sẻ với tôi. “Cần phải ủng hộ sự đa dạng và nhìn nhận các giá trị nội tại trong tất cả các khía cạnh tự nhiên. Khoa học quan trọng sự thật chứ không phải phán xét về phẩm giá.”

(Ảnh do TS. Subham Mukherjee cung cấp.)

“Khoa học sáng tạo, nghệ thuật chính xác”

Năm nay là lần đầu tiên Tuần lễ khoa học Berlin đưa vào Diễn đàn Khoa học và Nghệ thuật, hợp tác với Holzmarkt 25 – một tổ hợp không gian sáng tạo ấn tượng bên bờ sông Spree, quận Friedrichshain, Berlin. Với định hướng ‘khoa học sáng tạo, nghệ thuật chính xác’, rất nhiều màn biểu diễn và workshop vô cùng thú vị đã diễn ra.

Chẳng hạn như show diễn hài độc thoại khoa học Science Slam. Đây là một cuộc thi dành cho các nhà khoa học tìm mọi cách để kể về nghiên cứu của mình, sao cho khán giả phải bật cười thích thú, trong vỏn vẹn 8 phút. Nhà toán học người Mexico TS. Guillermo Olicón Méndez đeo nguyên chiếc mặt nạ thỏ màu đen lên sân khấu. Anh đang làm nghiên cứu tại Đức, tới đây để mô tả cho khán giả hình dung lý thuyết hỗn loạn của các hệ thống động lực trông ra sao bằng một câu chuyện hài hước về Achiles, Rùa, và Thỏ thời hiện đại. Lý thuyết này có thể được dùng để giải quyết các vấn đề mà trong đó các yếu tố dịch chuyển với tốc độ rất khác nhau khó mà dự đoán, từ đời thường như xu hướng thời trang cho tới quá trình thương thuyết hiệp định hoà bình. Như một diễn viên hài nổi tiếng, Guillermo kể xong, tháo mặt nạ ra trong tiếng tán thưởng náo động của khán giả. (Hình ảnh: Per Jacob Blut.)

Ngoài ra, còn có một số sự kiện thú vị khác, như một triển lãm lịch sử nghệ thuật về vai trò lớn lao của các tàng thư. Một workshop dạy thiền … nhảy trong nền nhạc được chơi bằng thuật toán điều khiển học (Hình ảnh: Sebastian Runge.) Hay một bữa tiệc âm nhạc lấy cảm hứng từ vật lý lượng tử. Sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả trong diễn đàn này chứng minh một điều: các thực hành nghệ thuật là phương tiện cần thiết để đưa sự chặt chẽ trong khoa học tiếp cận công chúng.

Khi được hỏi về cách Ban Tổ chức lễ hội đã làm để thu hút đa dạng khán giả, Luiza gật đầu thừa nhận, “Đây là một câu hỏi khó. Trước giờ, lễ hội khoa học luôn thu hút một số nhóm khán giả nhất định và không dễ để thay đổi điều này một sớm một chiều chỉ bằng những chỉnh sửa nhỏ lẻ.” Ban Tổ chức đang xây dựng quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong ngành sáng tạo ở Berlin vốn rất năng động. Mối hợp tác này hứa hẹn sẽ thay đổi mạnh mẽ diện mạo của sự kiện trong những năm tới.

Chìa khóa thu hút sự hợp tác

Năm nay có tới 500 diễn giả và 180 tổ chức đã có mặt tại Tuần lễ khoa học Berlin. Từ các trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, công ty công nghệ, công ty giáo dục, đại sứ quán, … tới các nghệ sĩ, nhà khoa học, giáo sư, học sinh, sinh viên. Điều này mang lại sự đa dạng và không khí lễ hội đặc trưng cho sự kiện. Có nhiều lý do để giải thích cho những con số đáng mơ ước này.

Rất nhiều đơn vị chủ động đăng ký một chỗ cho mình khi lễ hội mở đơn từ tháng 4 vì sau 8 năm, Tuần lễ khoa học Berlin đã có thương hiệu rõ nét cho mình: một nơi gắn kết cộng đồng quan tâm tới khoa học. Đồng thời, Ban Tổ chức cũng chủ động mời những đơn vị “nổi” trong mạng lưới quan hệ của mình, những người họ cho là xứng đáng được giới thiệu tới công chúng.

Các tổ chức ở Tuần lễ khoa học Berlin được hỗ trợ tối đa, từ cơ sở hạ tầng tới công tác hậu cần. “Chúng tôi còn làm loạt hội thảo trực tuyến để thảo luận cách khuyến khích khán giả tham gia khi họ đến lễ hội. Sự hỗ trợ này khiến lễ hội thu hút được rất nhiều tổ chức mới tham gia lần đầu.” Năm tiếp theo, Ban Tổ chức còn muốn mời những nhóm khán giả chưa từng được tiếp cận với chương trình tham gia đồng thiết kế chương trình lễ hội khoa học cho chính họ. Một ý tưởng thật táo bạo.

Liên hệ với Việt Nam

Để bạn đọc dễ hình dung, người viết mạn phép so sánh Tuần lễ khoa học Berlin với một chương trình tương tự ở Việt Nam. Việt Nam có Lễ hội STEM Quốc gia, nơi tổ chức các sự kiện và hoạt động ủng hộ giáo dục STEM trên toàn quốc. Các hoạt động trong ngày này diễn ra theo ba hình thức: hội thảo giáo dục, các cuộc thi giáo dục, và diễn đàn giáo dục. Điều này tạo ấn tượng rằng chỉ có các nhà giáo dục, cơ sở giáo dục và học sinh, sinh viên STEM mới nên tham gia. Trong khi đó, các nhà khoa học và câu chuyện khám phá thực sự của họ, hay các doanh nghiệp khoa học, công nghệ chưa có nhiều cơ hội ra mặt. Những người lớn không còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng vẫn đang trăn trở tìm kiếm kiến thức, thì có vẻ vắng mặt hoàn toàn trong các cuộc trò chuyện về khoa học. Sự đa dạng trong cách thức truyền thông về sự kiện, và trong các hình thức giáo dục khoa học có vẻ là thứ Lễ hội STEM Quốc gia đang cần nhất.

Berlin một đêm không ngủ

18 giờ ngày 10/11, buổi tối cuối cùng của Tuần lễ khoa học Berlin bắt đầu bên ngoài Holzmarkt 25. Các nhà nghiên cứu thành viên của Soapbox Sciences đem tới những phần trình diễn độc thoại … khoa học. Họ là tổ chức vận động cho sự hiện diện của các nhà nghiên cứu nữ và LGBTQ+ trong môi trường học thuật bằng những sự kiện khoa học đường phố. Những mẩu chuyện cười thông minh tầm 10 phút về đủ loại kiến thức dính tới chủ đề tiệc tùng: rượu chè, đường ruột, cơ chế khoa học não bộ trong khi nhảy nhót, hay dấu chân carbon của những bữa tiệc. Xen kẽ là những phần đặt câu hỏi hoặc giao lưu với khán giả.

Hai tiếng sau, tiếng nhạc xập xình thu hút khán giả về sân khấu chính, nơi diễn ra chương trình Science of Rave (Khoa học bên trong vũ trường). Trong không gian nảy tưng tiếng bass với nhịp điệu lôi cuốn của nhạc điện tử, chơi bởi DJ Distopian, ánh đèn flash chớp tắt liên hồi. Cơ thể không biết nói dối, đứng trước âm nhạc, ai cũng như ai, không mối lo nào có thể tồn tại. Science of Rave khám phá các bí ẩn đằng sau chuyển động tập thể tại một vũ trường, khi bộ não, tâm trí và cơ thể hoà chung nhịp điệu. Các nhà khoa học tới từ liên hiệp các trường đại học ở Berlin lấy micro để kể về nền tảng khoa học thần kinh, tâm lý học, hoá sinh và triết học đằng sau những cú lắc lư đầy hoan lạc.

22 giờ, một dàn DJ mới xuất hiện. Từ Niconé, Samantha Michelle, tới drums noise với các hiệu ứng ánh sáng ấn tượng từ studio512 và Projekt Kopfkino. Bữa tiệc thực sự giờ mới bắt đầu. Ngoài bia ra, có vẻ người Đức còn biết thổi tinh thần lễ hội vào khoa học.

Đánh giá tác động: Khó nhưng có thể làm

Tính cả không gian trực tuyến lẫn trực tiếp, Tuần lễ khoa học Berlin đón tiếp tới 35.000 lượt khách tham quan tới từ 140 quốc gia. Khi được hỏi mức độ ảnh hưởng và tạo ra tác động của Tuần lễ khoa học Berlin trong những năm qua, Luiza thẳng thắn chia sẻ: “Rất khó để đánh giá tác động của bất kì một lễ hội nào. Chúng tôi muốn biết ai là người tham dự, vấn đề nào đã thu hút nhu cầu tìm hiểu từ họ. Đây có phải là lần đầu họ đến lễ hội không? Họ có muốn quay lại muốn lần tiếp theo không?” Ban Tổ chức nghiêm túc thu thập tất cả số liệu có thể, như lượt ghé thăm trang web, lượt tương tác trên các kênh mạng xã hội. Trong suốt 10 ngày, ở mỗi địa điểm tổ chức lễ hội còn có tình nguyện viên đếm từng lượt người tham dự.

“Chúng tôi có số liệu tương tự của các năm trước để so sánh, nhưng đấy mới chỉ là số liệu đầu vào,” Luiza cho biết thêm, “muốn gọi là tác động thì những người tham gia nhận ra điều gì khi chứng kiến những hoạt động và triển lãm khoa học diễn ra tại đây.” Vì vậy, sau mỗi bài nói chuyện hoặc triển lãm, khán giả được mời thực hiện một khảo sát hết sức chi tiết về trải nghiệm của họ.

“Thành công thực sự của Tuần lễ khoa học Berlin,” theo Luiza, “là rất nhiều người trước đây chưa từng nghĩ tới khoa học là một giải pháp cho vấn đề của mình và xã hội, thì đến đây, họ vui và hài lòng vì quyết định này.”

Leave a Reply