Tại sao chúng ta lại gân cổ lên cãi nhau?

You are currently viewing Tại sao chúng ta lại gân cổ lên cãi nhau?
Lá cờ LBGTQ ở Taiwan

Cảm giác mặt nóng bừng bừng, cổ họng khô rát, không khí căng thẳng (thậm chí còn mất vệ sinh vcl) và nguy cơ rạn nứt mối quan hệ. Đó là những “side effect” không dễ chịu gì khi chúng ta quyết định “đối đầu” với những người có quan điểm khác với mình và sự việc trở nên “có vẻ” căng thẳng.

Chuyện này xảy ra kể cả khi mặt đối mặt lẫn trên Internet, trong gia đình còn thường xuyên hơn.

Nếu khó chịu như vậy, tại sao chúng ta chịu khó cãi nhau như thế? Động lực “dạy cho m một bài học” lớn đến mức nào? Lợi ích của việc tranh cãi là gì? Có cách nào khiến cho những cuộc cãi nhau trở nên có ý nghĩa hơn không?

mind the gap and the people
minh họa của một cuốn khác

Tác giả Buster Benson từng làm ở những công ty công nghệ lớn như Amazon, Slack, Twitter sử dụng nhiều ví dụ rất thực tế mà mới nghe xong mình đã muốn lao vào gõ phím tranh luận rồi: dùng vacine hay anti-vacine, cấm sở hữu súng hay cho phép, đóng mỏ than để giảm ô nhiễm hay không, chấp nhận hôn nhân đồng giới không, …

Cũng có những câu chuyện “thân Mỹ” khó hiểu khiến quyển sách sẽ phù hợp hơn cho người dân Mỹ để có thể hiểu hết được.

Hiểu đúng về tranh luận

the cover of Why are we yelling
Bìa sách. Nguồn: Amazon

Tranh luận không xấu

Người ta hình như có hai lựa chọn mỗi khi một trận tranh luận hay cãi nhau có cơ hội nhen nhóm.

Một là như thể tự xù lông nhím giống một cơ chế tự vệ khi có kẻ khác đang lăm le xâm phạm đến lãnh thổ (từ góc nhìn của mình) .

Hai là “thôi, chín bỏ làm mười, nhịn đê cho yên cửa yên nhà”.

Cả hai cách rõ ràng đều không ổn. Trốn tránh, dồn nén cảm xúc tiêu cực về lâu về dài không phải là cách hay. Tranh luận giúp bạn để ý hơn; giúp các mối quan hệ, các tổ chức phát triển hơn.

Tranh luận thay đổi tư duy và thái độ

… của chỉ mình bạn mà thôi. Không nên đặt mục tiêu thay đổi hoàn toàn cách nghĩ của người đối diện vì lúc ấy bạn sẽ tập trung vào việc cãi sao cho thắng, khiến người đối diện “tâm phục khẩu phục” và thay đổi hoàn toàn thì thôi.

Phe ủng hộ sở hữu súng muốn phe kia ngậm miệng lại và dừng than vãn đi vì chả mấy khi có xả súng. Phe kêu gọi chính sách cấm thì mong mỏi đám người kia chấp nhận súng là mối nguy hiểm và phải bỏ đi. Lần gần nhất mà bạn thay đổi hoàn toàn sau một cuộc tranh luận là khi nào?

Tranh luận vẫn sẽ xảy ra

Tranh luận diễn ra khi biểu đồ Venn giữa điều mình kỳ vọng và điều thực tế xảy ra giao nhau. Tập hợp giao càng nhỏ thì cãi nhau càng to: “Tưởng thế nào, hóa ra …” Tranh luận không biến mất hoàn toàn và sẽ còn quay lại. Không mẫu thuẫn thì không phát triển được, học triết rồi. Tác giả đưa ra 8 bước để có được một cuộc tranh luận giá trị.

8 bước để có được những cuộc tranh luận nhiều giá trị hơn

LGBTQ flags

1. Quan sát căng thẳng bắt nguồn từ đâu và leo thang ra sao?

Nhiều sách thiền nói phải “quán chiếu” bản thân mỗi khi cơn giận xảy đến. Có thể sách viết chung chung hay mình tối dạ không hiểu nhưng mình thích có những hướng dẫn rõ ràng và trực tiếp hơn. Thế quan sát bản thân là nhìn những gì?

Xem bất đồng xuất phát từ đâu

Có 4 góc nhìn của mỗi người trong một vấn đề: cái đầu (đúng đắn về mặt thông tin, khoa học), trái tim (dựa vào sự ưa thích, niềm tin và giá trị), đôi tay (dựa vào tính thực tế, khả thi và lên kế hoạch chu đáo)nỗi sợ (không có thực, do ta tưởng tượng ra). Biết được bất đồng xuất phát từ đâu thì khả năng giải quyết được sẽ cao hơn: thế chúng ta tranh luận về cái gì?

  • Cái đầu (cái gì đúng?): ai xem TV nhiều hơn?
  • Trái tim (cái gì có ý nghĩa với tôi?): chương trình nào hay hơn?
  • Cái tay (cái gì có lợi?): làm sao để phân chia thời gian xem TV công bằng cho mỗi người?
  • Nỗi sợ (cái gì ta tự tưởng tượng ra?): nhỡ đâu …

Nhiều khi, ta có góc nhìn của cái đầu (để con ở nhà một mình không vi phạm pháp luật) còn mẹ nó lại có góc nhìn của trái tim (lo cho con khi phải ở một mình), thế là cãi nhau.

Xem căng thẳng lớn cỡ nào?

Căng thẳng là cảm giác chủ quan, khó diễn tả cho người khác hiểu và cũng khó hiểu cảm giác của người ta. Trên thang Likert với 1 là mức thấp nhất bạn có thể kiểm soát dễ dàng còn 5 là khi có một chuyện thực sự tồi tệ xảy ra, bạn cảm thấy khó chịu đến mức nào? Căng thẳng leo thang theo thời gian ra sao? Có bên nào tấn công cá nhân bên kia chưa?

2. Để ý giọng nói bên trong của bạn

Giọng nói quyền lực: “t cứ thích thế đấy, thì sao nào?” hay “không là không.”

Giọng nói lý do: “Bằng chứng đâu?”, “Chứng minh đi.”

Giọng nói lảng tránh: khi quyền lực không có tác dụng và không có lý do đủ thuyết phục, “cứ giữ vị trí trung lập cho lành” hay “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Nhưng lảng tránh không giúp vấn đề biến mất.

Giọng nói “khả năng”: “còn điều gì thiếu sót?”, “ta có thể làm điều gì với nguồn lực hiện tại?”, “ta có thể có một góc nhìn mới từ đâu?”. Không cố gắng chấm dứt mâu thuẫn, nó lùi lại một bước và xem xét những cách để có thể học hỏi từ chúng. Thay vì kêu gọi tẩy chay mấy đứa khác biệt trong tổ chức, nó kêu gọi mọi người chỉ ra lỗi lầm và đề nghị cải tiến.

3. Để ý những định kiến có sẵn

Định kiến tồn tại để con người đỡ tốn năng lượng trước khi phải ra quyết định trong những tình huống có vẻ tương tự. Định kiến sẽ được sử dụng khi có quá nhiều thông tin ập đến; thiếu thông tin (dựa vào vài chi tiết để tạo nên một câu chuyện hoàn chỉnh); không đủ thời gian và nguồn lực nên phải chấp nhận rủi ro. Vì vậy, thay vì nói “t nhìn thấy trước là t đúng từ lâu rồi” hãy

– chấp nhận giới hạn về nhận thức và góc nhìn của bản thân,
– mời gọi những góc nhìn đa dạng khác cùng tham gia,
– lắng nghe những ý kiến khác biệt một cách toàn tâm toàn ý,
– sẵn lòng chấp nhận sự không thoải mái,
– nói “t không nhìn thấy những gì m thấy. Nói t nghe được không?”

4. Lên tiếng cho chính mình, không nhân danh ai cả

Trách nhiệm của mỗi người trong một cuộc tranh luận nên là lên tiếng cho chính mình và mời người khác chia sẻ tiếng nói của họ.

“Nếu m bênh sinh viên Hong Kong tức là m …” là nói thay cho người ta, chắc gì đã đúng. “T thấy sinh viên Hong Kong không đúng vì… Còn m thấy thế nào?” là lên tiếng cho mình và hỏi ý kiến của người khác. Tranh luận thế này lại chẳng văn minh hơn sao?

Có lần mình vào group Bullet Journal quốc tế để hỏi rằng sao journal của con trai (chỉ mình mình thôi) đơn giản thế, còn của con gái sao màu mè và phức tạp thế. Thế là cả group bay vào tranh cãi vì việc mình đã stereotype như thế nào về giới tính đến nỗi admin chặn luôn bình luận ở post đó. Một bài học cho mình.

green leaves
con bọ đen trên lá rau mùi xanh

5. Hỏi những câu hỏi mở, khơi gợi người ta trả lời

Hãy hỏi câu hỏi nào mà người hỏi có nhiều khả năng nhận được những câu trả lời họ bất ngờ nhất. 5W1H. Mình chợt rất thích thú khi nhớ tới khóa học nghiên cứu định tính ở kỳ này, nhất là bài tập phỏng vấn.

6. Cùng nhau xây dựng cuộc tranh luận

Nếu muốn hợp tác, đừng đặt mục tiêu đó mà hãy cùng xác định bất đồng ở góc nhìn nào (cái đầu, trái tim, đôi tay). Sau khi tìm kiếm thông tin, dữ liệu (cái đầu), đưa ra lập luận (giọng nói lý do) có lợi cho niềm tin của mình (trái tim), những gì còn lại có thể chỉ là giọng nói quyền lực hoặc lảng tránh.

Nếu đặt mục tiêu phải thắng trong một cuộc tranh luận, có thể mình sẽ tấn công vào điểm yếu nhất trong lời lẽ của kẻ đối diện.

7. Phát triển những không gian cởi mở

…để mỗi người có thể lên tiếng cho chính mình và khai thác những góc nhìn đa dạng của những người khác. Tranh luận bị ảnh hưởng bởi môi trường diễn ra nó. Sẽ không có một cuộc tranh luận lành mạnh nếu không có một môi trường tôn trọng nó. Mình đã chia sẻ ý này trong bài viết về Tư duy phát triển.

Ba tiêu chí để đánh giá một không gian sẵn sàng cho các cuộc tranh luận là:
– ý tưởng: sự đa dạng, độc đáo có được chào đón không?;
– con người: có quyền và được khuyến khích tham gia không?;
– văn hóa: lịch sử của nơi này ra sao? có định kiến gì đối với một ý tưởng hay con người cụ thể không? Những người “muôn năm” cũ, hồn ở đâu bây giờ?

8. Chấp nhận thực tế và tham gia vào nó

Sau khi đọc xong, mình nghĩ rất khó để có được một cuộc tranh luận hiệu quả nếu chỉ có một bên biết đến những nguyên tắc này. Nếu A giữ nguyên tắc còn B cứ phá thì sao? Liệu có cần một bản cam kết giữa hai bên khi tranh luận không? Đâu phải lúc nào cũng lý tưởng như vậy. Hmm…

Brenson viết: “Tưởng tượng rằng chúng ta không cãi nhau xem biến đổi khí hậu có thật không mà cùng đàm phán để làm sao giữ cho khí hậu trên Trái đất thật bền vững. Tưởng tượng thay vì cãi nhau xem có nên cho người nhập cư vào quốc gia của mình hay không, chúng ta cùng hành động để khiến chất lượng sống của mọi người trở nên cao hơn. Thì sao?”

Kết

Đợt đi hội nghị về Epistemic Knowledge, mình nghe giáo sư Carol K.K. ChanHKU, một người Hong Kong, có nhắc về sự kiện Hong Kong khi kết thúc bài thuyết trình của bà.

Rằng dù biết những người ở hai đầu của sự kiện sẽ chẳng nghe lời những học giả đâu, nhưng bà vẫn nghĩ giá mà họ lùi lại để xem xét tất cả những gì mình đã tranh luận hay meta-discourse.

Hình chụp từ slide của GS Carol.
Knowledge Building and Meta-discourse.
From absolutist, polarized views to rise-above design-mode thinking

Chúc bạn tranh luận hiệu quả và bình an,

Cảm ơn bạn đã đọc,

The Too Blue Scientist

This Post Has 8 Comments

  1. kamtron31

    Thả tim thay lời muốn nói ^^

  2. Thi Quynh Nhu Tran

    Vậy Hải đã bao giờ cãi nhau đến mức sức đầu mẻ tráng với ai đó, và sau đó cả hai không nhìn mặt nhau chưa?

    1. The Too Blue Scientist

      Rất tiếc là rồi ạ. Có nhiều lần vi phạm hoài mấy lỗi mà tác giả có đề cập trong sách. Sau những lần ấy thì sứt mẻ mối quan hệ cũng nhiều. Có cái từ từ làm lành lại được, có cái thì không. Âu cũng là bài học nên khi đọc được cuốn này em đồng cảm lắm. Phải tập nhiều.

      Chị thì thế nào? Có khi nào cãi nhau to chưa chị?

      1. Thi Quynh Nhu Tran

        Chị là người nóng tính, nên cũng hay cãi nhau, nhưng cãi to thì ít, mà đã cãi to thì chắc chắn không nhìn mặt nhau nữa. Nhưng mà chị nghĩ là trong khoa học thì nên tranh luận, “cãi nhau” có lý trí như em viết. Chắc là chị cần phải tập nhiều. hehe
        Chắc phải thường xuyên đọc chia sẻ của em mới được. Cảm ơn em vì những chia sẻ rất thú vị!

        1. The Too Blue Scientist

          Thường em thấy mình chỉ hay “phân tích” như tác giả nói sau khi đã đối đầu xong. Phải thực tập nhiều nữa chị nhỉ? Cảm ơn chị đã chia sẻ suy nghĩ của mình với em 😀

  3. Thong

    Cảm ơn những chia sẻ của thầy.

Leave a Reply