(Lại là) Cách để có Tư duy phát triển (à?)

You are currently viewing (Lại là) Cách để có Tư duy phát triển (à?)
I can U can! Really??

Vừa rồi trước khi đi học mình có phối hợp tổ chức một buổi tập huấn Tư duy phát triển cho nội bộ đội ngũ giáo viên trong nhóm nơi mình làm việc. Phần của mình chuẩn bị là về Cách (How to) để hình thành, rèn luyện tư duy phát triển. Mình sẽ chia sẻ lại những điều quan trọng ở đây. Phần này sẽ không đề cập đến lý do nên có tư duy phát triển. Ngộ ghê!

tư duy phát triển

Có niềm tin

Có thể hơi hô hào, hơi khẩu hiệu và self-help một tí nhưng trước khi tìm cách để có tư duy phát triển thì bạn cần phải có niềm tin cái đã. Tin rằng mình có thể học được mọi kỹ năng mình muốn, miễn là dành đủ công sức và thời gian cho chúng.

Niềm tin này không nên chỉ tồn tại như một giấc mơ mà nó còn được “chống lưng” bằng những nghiên cứu khoa học đáng tin cậy. Rằng bộ não của bạn luôn thay đổi để thích nghi với những biến cố đến từ cuộc sống. Rằng sự thay đổi trong não bộ khi bạn chấp nhận đối mặt với những thử thách với một tư duy phát triển.

04 nhận thức quan trọng

Chúng ta cần nhận thức về một vài điều sau:

1. Đầu tiên, là không ai hoàn hảo cả (tức là cái gì cũng giỏi và thành thạo). Điều này dễ hiểu thôi. Mỗi năng lực ta sử dụng ở mức độ nhuần nhuyễn như ăn cháo thì đều phải đầu tư cả đống thời gian và công sức vào, mà thời gian của mỗi người thì có hạn và như nhau. Vì thế, chắc chắn phải có người cực giỏi cái này và cực dở cái kia, hoặc là cái nào cũng thường thường. Mình có nhận thức này khi nói chuyện với những người ở ngành khác, họ nói thứ ngôn ngữ mình phải cố gắng mới bắt kịp được. Đành chấp nhận sự thật vậy.

2. Tiếp theo, nhận thức như trên để biết rằng so sánh giữa bản thân bạn và con nhà người ta nhiều khi không cần thiết, không gây áp lực cho mình thì cũng mang lại cái nhìn đánh giá (judge) người khác.

3. Nên tập trung vào điều mình thật sự muốn làm, không phải cái người khác muốn mình làm, hoặc cái mình nghĩ là mình muốn mình làm. Mà hành trình tìm ra cái này và làm theo thì nhiêu khê, nói dễ hơn làm nên mình chỉ dám nói đến đây :)).

growth mindset
Picture credits: Reid Wilson, @wayfarepath, @sylviaduckworth

4. Nhận thức tiếp theo là để ý “tiếng nói thì thầm trong đầu” xem tư duy phát triển và cố định lên tiếng lúc nào. Ai cũng có tư duy phát triển về việc này và cố định về việc kia. Ví dụ, mình có thể luôn tìm được cách học hỏi tốt, okay, nhưng lại luôn có định kiến trong bụng với những ai nói “không thể…” (“thôi đứa này xong rồi.”).

Học có mục đích và với cách thức phù hợp

Đây là phần cốt lõi của tư duy phát triển: học. Việc học nếu xuất phát từ nhu cầu thì tuyệt vời rồi vì bạn biết rõ mình cần gì để đến đi đến đích. Học không nhất thiết là với sách vở, lên thư viện 24/7, đeo cặp kính xanh dày cộm, đi du học xa xôi, không hề! Học hoàn toàn có thể là nói chuyện với người khác, có thể tự mình làm thử, đọc blog, xem YouTube-er nói về productivity và làm theo, vân vân.

Việc học có thể còn bắt nguồn từ những cảm xúc như tò mò (muốn tìm hiểu cái này là cái gì?), vui sướng (du học ở nước mới với cuộc sống mới, get high), ganh tị (ghét thắng kia giỏi nên học để hơn nó), buồn khổ (học để thoát nghèo), … Học mà do bắt ép thì ôi thôi chán lắm.

Việc xác định được cách học tốt nhất cho mình không dễ. Tầm tuổi này đi học thạc sỹ mà mình còn phải dần tự khám phá ra cách học thì học sinh lớp nhỏ gặp khó khăn cũng đúng thôi. Bài viết ở trang này có thể giúp bạn tìm ra một số cách học đấy.

Ngoài ra, một tư duy update (tự cập nhật vá lỗi, giống như điện thoại) và un-learning (quên đi những kiến thức, kinh nghiệm lỗi thời) cũng quan trọng không kém.

Phản tỉnh (Reflection) - Rút kinh nghiệm

reflection
Rút kinh nghiệm mãi mãi

Nhìn nhận lại những việc đã qua bằng con mắt tập trung vào cải thiện, cải tiến chứ không nhằm mục đích bới móc và chỉ trích (mình và người khác). Đây có lẽ là một định hướng để làm việc nhóm hiệu quả và “an toàn”.

Tự hỏi mình (khi tỉnh táo) những câu hỏi khó trả lời, mang tính siêu nhận thức (meta-cognitve thinking) như: có thể làm hiệu quả hơn ở đâu, điều gì hợp lý và bất hợp lý trong ý tưởng hay cách làm này, … trước, trong và sau khi một sự kiện diễn ra. 

Tập trung (cả vào) quá trình (nữa)

Bạn muốn thử cảm giác “thất thần” khi đọc đến đây thì có thể đọc bài viết này.

Carol Dweck thừa nhận việc lý thuyết về tư duy phát triển đang bị sử dụng sai lệch, khiến nó đơn thuần như những câu khẩu hiệu sáo rỗng, cổ vũ tinh thần.

 
 
Motivation
I can U can! Really??

Việc phát triển một lộ trình học tập kỹ năng nào đó không nên chỉ có mục tiêu (Tôi có thể học bơi!) mà còn cần phải có sự hướng dẫn/tiến hành cụ thể (Bước 1, Bước 2,…) và động viên cần thiết (Đúng thế, chỉ cần thẳng tay hơn nữa là được.) để người học an tâm tiến tới từng bước. Khen ngợi tập trung vào quá trình hay ho ở điểm này đây.

Mình có từng được bảo rằng hiểu biết cách bộ não học ngôn ngữ thế nào cũng không thể giúp bạn giỏi một ngoại ngữ được, bạn phải sử dụng nó thôi.

Thử thách một tí thôi

Challenge

Nhận những nhiệm vụ lạ lạ có thể giúp bạn phát triển bản thân. Nó đòi hỏi bạn phải có nhu cầu tìm hiểu thêm, vượt ra khỏi vòng an toàn của mình một tí. Đây cũng là dịp để cho người khác thấy được năng lực tự học hỏi của bạn, cơ hội là đây chứ đâu, đừng từ chối nó vội. Từ khóa 1. là Not Yet (hay Chưa, không phải Không).

Tuy nhiên, việc với tay xa quá cũng tạo ra rất nhiều áp lực. Nếu bạn muốn có thể đi từ từ chắc chắn. Từ khóa 2 ZPD (viết tắt của Zone of Proximal Development hay Vùng phát triển gần) của Lev Vygotsky.

 

Xây dựng Bộ lạc Tư duy phát triển

Bắt đầu từ người đứng đầu thì sẽ tuyệt vời nhất và nhanh nhất. Nhưng nếu nơi bạn làm việc chưa phải là môi trường này thì bạn sẽ làm gì?

Dù gì đi nữa thì đừng quên thay đổi mình trước tiên nhé, Gandhi bảo thế. Rằng hãy là thứ mà bạn muốn thế giới trở thành. Và dù nhẹ nhàng, từ từ, bạn vẫn có thể làm rung chuyển cả thế giới.

Bài viết đầu tiên kể từ khi chuyển nhà sang nước khác nên mình cũng có khá nhiều cảm xúc. Hi vọng bạn vẫn sẽ đón đọc bài viết của mình hàng tuần.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết,

Hải Nguyễn

This Post Has 3 Comments

Leave a Reply