TL;DR: Bài viết tổng hợp và bình luận phần đầu của cuốn sách The Enchanted Hour: The Miraculous Power of Reading Aloud của tác giả Meghan Cox Gurdon. Sách sử dụng nhiều từ chuyên ngành y khoa nên bài viết không đảm bảo hoàn toàn chính xác về từ ngữ.
Cuốn sách tóm tắt những nghiên cứu về vai trò của việc đọc (to thành tiếng) sách, truyện cho trẻ. Nó giúp kết nối bố mẹ và trẻ, hỗ trợ phát triển ngôn ngữ, trí tưởng tượng, kỹ năng đọc viết, cảm xúc-xã hội và khả năng tập trung. Ngoài ra, cuốn sách cũng kể về lịch sử của việc đọc cho nhau nghe. Từ thời mà những sử thi hùng tráng còn thịnh hành qua truyền miệng trong các cộng đồng khắp thế giới. Tác giả review nhiều tác phẩm thiếu nhi nhưng có vẻ chỉ thích hợp với các nước nói tiếng Anh.
Đọc sách cho trẻ rất có lợi
Bác sĩ Hutton và đồng nghiệp đã tiến hành một thí nghiệm xem điều gì xảy ra trong não bộ của những đứa trẻ khi chúng được kể chuyện cho nghe và so sánh với những trẻ tự đọc. Một nhóm trẻ từ 3 đến 5 được nghe chuyện trong máy quét fMRI. Sau khi đảm bảo mỗi em ở trong trạng thái “bình tĩnh”, các em lần lượt được đưa qua máy quét fMRI.
Kết quả cho thấy những đứa trẻ hay được người lớn đọc cho nghe có biểu hiện nhanh nhẹn và dễ tiếp thu lời kể chuyện, có khả năng xử lý khối lượng thông tin lớn hơn (vừa nghe vừa nhìn) với tốc độ nhanh hơn.
Như vậy, được tiếp cận thường xuyên với sách và chia sẻ việc đọc với người lớn có thể dẫn tới sự phát triển não bộ. Giới nghiên cứu lý giải rằng khi được đọc cho nghe, trẻ có nhiều trải nghiệm với cả ngôn ngữ và trí tưởng tượng hơn những trẻ khác.
Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cũng đưa ra lời khuyên tới các bác sĩ để gián tiếp vận động ba mẹ kể chuyện cho con nhỏ nghe. Rằng: “đọc thường xuyên cho trẻ nhỏ góp phần kích thích những vùng tối ưu cho phát triển não bộ, tăng cường mối quan hệ giữa ba mẹ và trẻ ở giai đoạn tối quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, giúp xây dựng ngôn ngữ, kỹ năng cảm xúc – xã hội. Đây là những kỹ năng cần thiết kéo dài mãi về sau.” Vậy mà cái nhiều bậc cha mẹ đưa cho con mình không phải thời gian, không phải sách hay lời kể, mà là những chiếc màn hình.
Nghe kể truyện – Nghe kể truyện kèm minh họa – Xem hoạt hình: cái nào tốt nhất?
Vào năm 2017, các nhà khoa học thực hiện một nghiên cứu khác. Họ theo dõi hoạt động não bộ của 28 trẻ nhỏ độ tuổi từ 3 – 5 khi cho chúng nghe kể truyện, nghe kể truyện kết hợp xem tranh minh họa (loại sách truyện tĩnh truyền thống ý) và xem phiên bản hoạt hình của một câu chuyện với hình ảnh chuyển động đi kèm lời kể, thoại của các nhân vật.
Mỗi em sẽ được trải nghiệm cả ba giai đoạn, lần lượt mỗi giai đoạn trong 5 phút. Hình ảnh não bộ chụp được trong mỗi phút “nghỉ giữa hiệp” của trẻ cho thấy sự liên kết giữa những vùng trong não bộ khác nhau qua mỗi hình thức tiếp thu câu chuyện.
Khi được nghe kể chuyện mà không nhìn gì cả, chỉ có một số vùng liên kết với nhau. Rõ nhất là vùng não chịu trách nhiệm nhận thức và sự hiểu biết chuyên đặt các câu hỏi kiểu như “cái này thì liên quan gì đến mình?”. Nhóm nghiên cứu giải thích rằng trẻ đang đối chiếu liên tục những gì nghe được với kho tàng trải nghiệm nhỏ bé của chúng.
Khi kết hợp kể chuyện và nhìn tranh minh họa, một loạt vùng não bộ được kích thích và kết nối với nhau. Những mạng lưới thần kinh đang cùng làm việc để hỗ trợ và tăng cường kiến trúc trí tuệ của trẻ, làm rõ những gì đang được nghe và nhìn. Ban đầu, mình cứ tưởng trường hợp 2 và 3 sẽ có những điểm tương đồng khi mà các cơ quan của trẻ đều phải hoạt động: mắt nhìn hình minh họa, tai nghe lời dẫn truyện, còn não giải nghĩa những thông tin nhận được. Tuy nhiên, kết quả thì không như vậy.
Không còn gì để làm nữa
Đến với giai đoạn xem phiên bản hoạt hình, “dường như bộ não dừng làm việc luôn”. Những vùng kích thích ở hai trường hợp trước chuyển sang im hơi lặng tiếng, ngoại trừ vùng chịu trách nhiệm thị giác. Trẻ xem hoạt hình đấy, nhưng không có sự xuất hiện của những mạng lưới thần kinh bậc cao liên quan đến việc học. Não bộ không còn gì để làm nữa khi mọi thứ đã quá rõ ràng.
Trẻ nhỏ khi tiếp xúc quá nhiều với màn hình có thể dẫn tới sự kém phát triển về mặt ngôn ngữ, tưởng tượng và sự tập trung. Trong một nghiên cứu khác, nhóm của bác sỹ Hutton cũng tìm ra được mối tương quan giữa việc tăng thời gian tiếp xúc với màn hình và giảm tính toàn vẹn của cấu trúc chất trắng trong não chịu trách nhiệm hỗ trợ ngôn ngữ và kỹ năng đọc viết của trẻ trước độ tuổi đi học mẫu giáo. Ngoài ra, còn một điều to lớn khác thiếu đi khi để trẻ xem YouTube một mình, đó là sự tương tác có ý nghĩa với cha mẹ.
Khuyến nghị của AAP
Liên kết với những gì chúng ta biết về khả năng thay đổi của não bộ hay neuro-plasticity, chuyện gì sẽ xảy ra với khả năng tưởng tượng và học tập của trẻ, nếu trong giai đoạn đầu đời này, trẻ thường xuyên được tiếp xúc với thông tin một cách thụ động như vậy?
Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) trong năm 2016 đã đưa ra lời khuyên như sau:
– Đối với trẻ dưới 18 tháng tuổi, tránh sử dụng những hình thức giải trí qua màn hình (screen media) ngoài cuộc gọi video. Bố mẹ của trẻ từ 18 đến 24 tháng tuổi muốn giới thiệu truyền thông số (digital media) nên chọn lọc những chương trình chất lượng và xem chúng cùng trẻ để giải thích những điều mà trẻ đang xem.
– Đối với trẻ từ 2 tới 5 tuổi, cần giới hạn thời gian sử dụng màn hình tới 1 giờ mỗi ngày dành cho những chương trình chất lượng. Bố mẹ nên xem cùng trẻ để giải thích và hướng dẫn trẻ áp dụng vào thế giới xung quanh.
– Thiết kế những hoạt động và địa điểm không có yếu tố kỹ thuật số như ăn tối, đọc sách, phòng ngủ, phòng ăn, …
Khi viết bài này mình cứ nghĩ, làm sao để có thời gian đọc cho trẻ trong khi ba mẹ đã đủ bận rồi? Còn bạn nghĩ sao?
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết,
The Too Blue Scientist
Pingback: Trẻ cần học gì trước khi được dùng máy tính và Internet? | The Too Blue Scientist