“Hành tinh nào sinh ra đầu tiên?” – Chuyện học sinh đặt câu hỏi

You are currently viewing “Hành tinh nào sinh ra đầu tiên?” – Chuyện học sinh đặt câu hỏi

Ít lâu trước khi tạm nghỉ dạy, mình nảy ra ý tưởng lập một danh sách: Những câu hỏi giáo viên không thể trả lời ngay. Bây giờ mở lại thấy bên trong vỏn vẹn hai câu hỏi. Học sinh hỏi nhiều lắm, làm mình bí cũng nhiều, nhưng trước đó không hề để ý.

Nhiều nghiên cứu với quan điểm xem việc học khoa học thực ra là “học ngôn ngữ của khoa học” chỉ ra một nghịch lý. Giáo viên là super trong môn đó lại nói (rất) nhiều, đám học sinh “mới vào nghề” thì ít hoặc không được thực tập.

Việc trao cơ hội cho chúng “nói ngôn ngữ của khoa học” rất quan trọng. Ý tưởng chung là kết nối giữa ý niệm thường ngày có sẵn trong học sinh với quan điểm khoa học.

Hỏi thì ích gì?

Nhờ đặt câu hỏi mà chúng học được về bản chất tìm tòi khoa học. Không những vậy, tính cách chủ động và tự học hỏi, kỹ năng giải quyết vấn đề cũng được cải thiện.

Qua việc hỏi han, mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên trở nên bền chặt hơn. Mâu thuẫn và sự “lệch tần số” có thể giải quyết bằng lời nói hợp tác. Thậm chí, giáo viên có thể dựa vào đó để điều chỉnh màn trình diễn của mình. Cuối cùng, có thể coi câu hỏi là một sự “cầu cứu” khi học sinh cần một “tiếng nói uy tín” và hỗ trợ của một chuyên gia là giáo viên.

Kiểu câu hỏi trong lớp học khoa học

Câu hỏi học sinh đặt ra có thể chia làm hai loại chính. Thông tin cơ bản, kiểu “con làm thế này đúng không?”. Và khám phá (mức tư duy cao hơn), kiểu “điều gì sẽ xảy ra đối với cái xe (Tesla) đó?”.

Trong hạng mục này, cũng có nhiều câu nhỏ hơn như:

– Tìm kiếm lời giải thích: Vì sao lỗ đen lại hút được mọi vật vào hả thầy?

– Đòi hỏi đưa dự đoán: Nếu con uống dung dịch (đường, muối) thì sao hả thầy?

– Phát hiện gì đó ngộ ngộ: Ủa thầy, sao cục giấy và cục đá rơi y chang nhau? (Mấy đứa còn lại sẽ gào lên: tao thấy đá rơi trước!)

– Muốn vận dụng kiến thức đang học vào trường hợp khác: Thầy, những hạt khác trồng theo cách này (đậu đen + bông gòn + nước) được không?

– Triển khai chiến thuật: Làm sao để xây tháp thật cao hả thầy?

Khó khăn của giáo viên

Tuy nhiên, không phải lúc nào học sinh cũng có thể chấp nhận rủi ro hỏi những câu “chất” như thế. Còn tùy vào giáo viên có chào đón câu hỏi không, mức độ quen thuộc của nội dung môn học, và không khí lớp học.

Okayy, “lý thuyết” là thế. Học sinh hỏi thì hay thật đấy, nhưng giáo viên sẽ rơi vào tình thế “bị động” và chúng ta không thích như thế. Rất đúng. Những nghiên cứu cho thấy nhiều nỗi khổ của giáo viên trước những câu hỏi trên. Có thể họ chưa biết đến kiến thức đó hoặc không muốn spoil nội dung bài học quá sớm hoặc do thời gian không cho phép.

“Đương đầu” câu hỏi như thế nào?

Phải thừa nhận câu “Thầy không biết. Con biết không? Làm thử xem.” là một câu trả lời đặc trưng của mình đối với những câu hỏi cơ bản. Khuyến khích học sinh làm thử cái gì đó khám phá chứ không đợi đáp án từ giáo viên. Nhưng đôi khi nó cũng không tốt.

Việc đứng lùi lại để đối chiếu, phản tư, reflect xem mình đã dạy như nào thật thú vị và hiệu quả. (Nếu có thời gian.)

Một cách để giúp học sinh nói nhiều hơn là hoạt động thảo luận nhóm và cặp. Thực hiên như nào cho tốt nhỉ?

Mình có kinh nghiệm trong việc khuyến khích học sinh đặt câu hỏi ở đây. Nhưng thường là với những chủ đề cực hấp dẫn với chúng.

Còn bạn? Câu hỏi bạn hay nhận được từ học sinh là gì? Và bạn đối mặt ra sao?

Tham khảo: Learning From and Responding to Students’ Questions: The Authoritative and Dialogic Tension của Aguiar, Mortimer and Scott (2010). Bài báo khoa học đăng trên Journal of Research in Science Teaching.

The Too Blue Scientist

Leave a Reply