Một tuần vừa rồi có hai tin gây bàng hoàng với mình. Bài viết này có tựa đề rất thời sự và nghe tưởng chán ngắt. Bỗng để ý nhiều khi mình thiếu nhạy cảm với từ tiếng Việt, nghe từ nào có vẻ hơi to tát một tí là lập tức liên tưởng đến khẩu hiệu hay treo đầy đường, thấy chả liên quan gì đến mình. Đọc thử vài bài từ google “Phát triển bền vững” xem. Rồi cũng đề tài đấy đi học, đi nghe báo cáo bằng tiếng Anh thì chú ý nhiều hơn. Khi tìm được từ dịch qua tiếng Việt thì thấy hóa ra là vậy. Đúng là thật thiếu sót.
Anyway… Bài này có nhiều câu chuyện lắm nên bạn chịu khó đọc tiếp nhé.
SDGs
Sustainable Development Goals (hay Những mục tiêu phát triển bền vững – SDGs) đang là một từ khóa rất hot đối với mình khi bắt đầu học môn Sustainable Sciences. Mục tiêu của môn này, theo giáo sư đặt ra, là tăng hiểu biết, tương tác giữa xã hội và thiên nhiên để mọi người cùng hướng về một tương lai bền vững. Vừa rồi trường NTNU mình đang học mới kí cam kết đưa nội dung này vào trong giảng dạy nhiều hơn nữa, để dạy gì học gì cũng nhớ hướng tới việc phát triển bền vững. Giờ thì nhìn đâu cũng thấy SDGs, sắp tới có hàng loạt báo cáo liên quan nữa. Bạn goole cũng sẽ thấy từ này rất hot luôn.
SDGs là tập hợp 17 mục tiêu dài hạn do Liên Hợp Quốc đề ra để mỗi quốc gia trong đó hướng tới, cố gắng đạt được vào năm 2030 nhằm mục đích cao nhất là … bảo vệ Trái đất lâu dài. Trên trang web của có ghi rõ các tiêu chí của từng mục tiêu, thang đo – chỉ số và cập nhật tiến độ qua từng năm. Một số mục tiêu bây giờ đã báo cáo là khó có thể đạt được vào năm 2030.
Giáo sư bảo rằng những gì tụi mình được học về khoa học từ nhỏ tới giờ là nền khoa học mainstream từ phương Tây, tại sao không lắng nghe thêm những quan điểm về tính bền vững và mối tương tác thiên nhiên – xã hội đến từ những cộng đồng dân tộc thiểu số (indigeneous science). Vì vậy mà trong chương trình có tới 6 buổi mà người học đi nghe đại diện của một số dân tộc ở Đài Loan chia sẻ và cảm nhận thiên nhiên bằng âm nhạc do họ mang tới. (Phải nói thật là mình thấy hổ thẹn khi không hiểu biết gì nhiều về 53 dân tộc của Việt Nam.) Bài này mình sẽ chia sẻ những gì mình cảm nhận được.
Outsiders’ eyes
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta tiếp xúc nhiều với văn hóa đại chúng của số đông. Do định kiến, ví dụ khi nhắc đến Mỹ thì mình nghĩ tới vùng đất nhiều màu da, người mặc suit đen đi bộ ngược xuôi trên những con phố đông đúc. Khi nhắc đến Đài Loan mình tưởng tượng ra mấy bộ phim drama và Jay Chou. Những con người, hình ảnh, âm nhạc, phim ảnh, ngôi sao… làm mình cho rằng thế giới toàn những con người như thế, đôi khi quên đi mất những cộng đồng người nhỏ bé hơn cùng tồn tại trên Trái đất.
Giả sử khi bạn đi du lịch đến một vùng có những người dân tộc thiểu số, bạn sẽ thấy điều gì thú vị? Mình nghĩ ra hai thứ: những bộ trang phục sặc sỡ kèm hoa văn lạ lẫm, trang sức độc đáo và các lễ hội, âm nhạc hay điệu nhảy. Đây có thể là hai điều mà phần lớn mọi người cũng thấy hay ho và “lạ” nhất. Chỉ cần mua một cái áo hay cái khăn choàng giống của dân bản địa, ngồi uống rượu cần xem họ chơi nhạc cụ hay nhảy múa thì có phải mình đã hiểu hết về họ hay không? Có thông điệp gì đằng sau không?
Khi bạn dành thời gian để tìm hiểu, thì mỗi bộ lạc đều có câu chuyện của riêng họ để chia sẻ. Tuy những buổi nói chuyện toàn bằng tiếng Hoa, nhưng qua cảm nhận và nhờ các bạn học thuyết trình lại thì mình đã hiểu hơn. Đặc biệt là quan điểm của họ về “bền vững” và những khó khăn họ đang phải đối mặt.
Interrelationship – Mỗi người nằm trong mối tương quan với tất cả
Các dân tộc có điểm chung là đều tôn thờ và coi trọng mối liên kết tinh thần hay tâm linh với tự nhiên. Họ hiểu được vai trò của con người trong trong hệ sinh thái này, rằng mỗi người liên quan đến tất cả mọi thứ và mọi người khác trên Trái đất. Một bức hình rất thú vị (bên phải) mà mình chụp được trong bài chia sẻ của tộc Paiwan miêu tả một em bé còn chưa ra đời đang kết nối với mặt trời, mặt trăng và ngọn núi.
Còn bức hình bên trái lấy từ một nghiên cứu về việc kết hợp giáo dục khoa học bản địa và khoa học phương Tây. Em học sinh ở vùng biển thiết kế một chiếc vòng đeo tay tượng trưng cho ý tưởng về liên kết giữa con người, mặt trời và các sinh vật biển khác. Vấn đề do con người gây ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng lên các loài khác và không thể giải quyết trọn vẹn một vấn đề mà không đụng tới mấy cái kia.
Khoa học bản địa – Indigenous Science
Kiến thức hay khoa học bản địa dựa trên việc quan sát các hiện tượng trong thời gian dài, có khi cả mấy thế hệ. Những khám phá của họ được dựng lên từ thực nghiệm và thử – sai. Những kết quả đúc kết được lưu truyền từ đời này qua đời khác, từ tộc này qua tộc khác dưới dạng “mã hóa” lồng vào những câu chuyện kể, những bài hát, những nghi lễ. Nhiều dân tộc không có chữ viết mà chỉ có ngôn ngữ nói. Và quan trọng hơn hết, khoa học bản địa hướng tới một thể thống nhất trọn vẹn và không tách rời. Elk, L. B. (2016). Native science: understanding and respecting other ways of thinking. Rangelands, 38(1), 3-4.
Tuy nhiên, chính việc gắn kết chặt chẽ với tinh thần, tâm linh và kiến thức được lưu trữ không bằng giấy trắng mực đen tạo ra rào cản trao đổi giữa khoa học bản địa và khoa học phương Tây. Johnson, J. T., Howitt, R., Cajete, G., Berkes, F., Louis, R. P., & Kliskey, A. (2016). Weaving Indigenous and sustainability sciences to diversify our methods. Sustainability Science, 11(1), 1-11.
Có những câu chuyện được tụi mình thảo luận rất nhiều về cuộc sống của tộc người Tao. Bạn có thể ngắm nhìn cuộc sống của họ trọn vẹn qua một bức tranh ở đây: biển cả, núi non, cây cối, con người, cá bay. Tộc người này sinh sống trên một hòn đảo của Đài Loan, gần Philipines. Đàn ông lo việc đánh bắt, đóng thuyền, làm nhà; còn phụ nữ lo việc trồng trọt, chăm sóc gia đình. Khi mỗi người con trai sinh ra là một cái cây con sẽ được trồng. Nó sẽ trưởng thành cùng cậu ta để rồi qua thời gian, khi bạn ý đủ lớn để có thể vượt sóng vượt gió, chính cái cây ấy sẽ bị hạ để đóng thành chiếc thuyền cho bạn ra khơi đánh cá. Người Tao mới bảo cái cây này kết nối núi với biển, và họ trân trọng tất cả.
Theo tục lệ, người Tao chỉ được đánh bắt cá bay theo mùa, hết mùa thì phải tìm loài cá khác. Ngoài ra, còn khá nhiều nghi lễ họ tôn trọng để đảm bảo cho số cá được bền vững (và thuận lợi cho việc đánh bắt) như đã bắt là phải ăn hết, không được mua bán và trao đổi cho tộc người khác, không đánh bắt chỉ một loài cá hoặc loài nào có số lượng giảm rõ rệt. Họ còn đặt ra một mức trần quota để ngư dân không vượt quá con số này khi ra khơi.
Nhỏ bé thì đóng góp được gì?
Có một câu chuyện mình đọc được trong cuốn Lost Connections của Johann Hari mà chính tác giả cũng có một bài triệu view nhắc tới nó trên TED Talks.
Khi đi tìm lời giải cho nguyên nhân gây ra căng thẳng và trầm cảm (anxiety và depression), Johann có gặp một bác sĩ người Nam Phi. Hồi khoảng 2001, bác sĩ này bay đến Cambodia vào đúng dịp các công ty thuốc bắt đầu mở bán thuốc chống trầm cảm (antidepressant) ở đây. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh thuốc rất kém. Hóa ra là trong tiếng Khmer không có từ ngang bằng với antidepressant. Trao đổi thêm với các bác sĩ địa phương, họ xác nhận là có gặp những bệnh nhân có các triệu chứng như mô tả (thấy đau buồn trong thời gian dài, rối loạn ăn uống, ngủ nghỉ, “cảm giác như bị hút mất niềm vui”, …). Vậy các bác sĩ địa phương đã chữa cho họ như thế nào khi không biết có loại thuốc chống trầm cảm cơ chứ? Như trường hợp của một người nông dân ở đó bị mất chân vì bom mìn, kể cả sau khi đã được lắp chân giả và có thể đi lại khá ổn rồi vẫn không thôi khỏi đau buồn bèn tìm gặp bác sĩ. Kết quả là các bác sĩ mua cho ông ta một con bò :)), và từ đó trở đi người nông dân sống hạnh phúc bên con bò của mình.
Vậy thì khám phá nhỏ xíu này của những bác sĩ địa phương Cambodia có đóng góp gì cho trong chữa trị trầm cảm? Đó là bác sĩ hóa ra không cần vội vàng kê đơn thuốc ngay lập tức khi biết được các triệu chứng, bà ấy hoặc ông ấy có thể ngồi xuống nói chuyện với người bệnh về cảm nhận và trải nghiệm của họ. Dù cộng đồng có nhỏ bé, nhưng đóng góp mà nó mang lại rất có giá trị.
Bài học về phát triển bền vững và khoa học bản địa của mình vẫn còn kéo dài đến gần Tết. Hi vọng có thể chia sẻ với bạn thêm nữa. Và đến tận sau 2050.
Cảm ơn bạn đã đọc bài,
Hải Nguyễn
Pingback: Về tỉ vũ trụ cạnh thế giới loài người - The Too Blue Scientist
Bài viết càng ngày càng chất lượng và sâu sắc, chị thích chuyện cái cây đóng thành tàu kết nối núi và biển, cũng thích vị thuốc chữa trầm cảm mang tên “con bò” quá.
Cảm ơn em <3
Em cảm ơn chị 😉