Bài này viết gì?
Thang Bloom là …
Trong giới giáo dục, đây là một mô hình quen thuộc hay được sử dụng làm căn cứ viết mục tiêu học tập. Bức hình về Bloom hay được nhắc tới là hình kim tự tháp 2D, ở dưới cùng thấp nhất là Kiến thức (Knowledge) đi tới cao nhất – Đánh giá (Evaluation). Người dùng thang Bloom hay giả định học sinh cần Biết kiến thức, sau đó mới leo được lên những bậc thang cao hơn như Ứng dụng, Phân tích, Đánh giá, …
Sau này, thang ở trên được chỉnh sửa và bổ sung thêm những chiều kích khác, như thang thái độ – cảm xúc, thang hành động học tập và thang phân chia loại kiến thức.
Thang Bloom có vai trò của nó khi mang lại sự đơn giản trong một biển kiến thức rất hỗn loạn và phức tạp về cách con người học và cách người ta nên dạy học. Vì vậy mà đây là một công cụ rất phổ biến trong giáo dục trên thế giới.
Trong thực tế lớp học lịch sử
Trong cuốn sách Why Learn History, tác giả Sam Wineburg cùng nhóm nghiên cứu có đưa ra một trường hợp: ông đưa một bản thông cáo trên tờ báo The New York Times của tổng thống Mỹ hồi năm 1892 về ngày Discovery Day của Mỹ để ăn mừng tinh thần Columbus cho 03 đối tượng để xem phản ứng và cách tư duy, lập luận của họ trước một vấn đề lịch sử ra sao.
Câu hỏi là đối với văn bản này, họ nghĩ gì về nó? Và theo họ, lý do ban hành thông cáo là gì? Ba đối tượng là học sinh cấp 3 (sẽ được giáo viên cấp 3 nhận xét), sinh viên sau đại học và nhà sử học.
Học sinh cấp 3. Trường hợp ví dụ là một em học sinh chuyên sử. Vận dụng những kiến thức em đã biết về năm 1492 (năm Columbus dong thuyền đi lần đầu, Columbus là người như thế này, …) để so sánh với những gì em đọc được trong thông cáo, rồi phân tích và đánh giá để đưa ra nhận định của em về văn bản. Đúng theo thang Bloom, em ý lên được tới mức Đánh giá luôn. Em cũng nhận định là ủa liệu cái thông cáo này có phù hợp với công trạng của Columbus không? (Ổng đi làm kinh tế chứ khám phá nỗi gì! Lấy Columbus làm ví dụ cho ngày Khám phá ở Mỹ là không ổn.) Đấy, rất có lí lẽ luôn.
Giáo viên cấp 3 đánh giá kết quả học sinh cấp 3 là là tốt rồi tuy còn vài chỗ cải thiện được.
Sinh viên sau đại học không có chuyên ngành lịch sử nên mang lại một góc nhìn khác hoàn toàn. Họ đặt câu hỏi “ủa thông cáo gì đây, đăng ở đâu? nhật kí hay thư từ bí mật? mở ngày toàn dân tập thể dục à? =))))
Còn nhà sử học: hừm, văn bản của tổng thống Mỹ hả, được đăng vào năm nào đây? 1892. Năm đó có sự kiện gì? Ủa đăng ở đâu? NY Times hả? Tại sao không phải trang nhất mà lại là trang thứ 8, đây là văn bản của tổng thống mà?… À, năm đó là năm bắt đầu có làn sóng dân nhập cư tới Mỹ và thông điệp này được nhắm tới họ thay vì toàn dân Mỹ nên mới ở trang 8 để truyền bá tinh thần Mỹ cho những kẻ từ phương xa tới mang trong mình ngôn ngữ, màu da và tôn giáo lạ lẫm.
Tư duy thẩm soát (critical thinking) là gì?
“Tư duy” là “cách nghĩ”. Tất cả những thông tin mà nhà sử học nêu ra, bạn học sinh cấp 3 có thể đều Biết vì đã được học. Vấn đề là bạn ý có Biết, nhưng thiếu Tư duy một cách lịch sử. Bạn ý có Critical, nhưng thiếu mất Thinking. Bạn ý không khai thác tiếp những mặt ẩn khuất về bối cảnh đưa ra văn bản trong đề bài.
Hai trường hợp sau thì khác ở chỗ họ bắt đầu bằng cách ĐẶT CÂU HỎI. Sinh viên sau đại học không có kiến thức nên không còn cách nào khác ngoài đặt câu hỏi. Tuy nhiên, nhà sử học dù có kiến thức nhưng vẫn tiếp cận vấn đề bằng cách đặt câu hỏi. Tư duy phản biện, thẩm soát của họ thể hiện ở chỗ xác định được những yếu tố cần có để hiểu đầy đủ hơn về văn bản và thời điểm mà nó ra đời, đào sâu và kết nối chúng. Cuối cùng, nhà sử học mới có câu trả lời là kiến thức về văn bản.
Sam Wineburg kết luận làaaa: việc coi Kiến thức là nền tảng cho tư duy không sai, nhưng trong thực tế dạy và học, người ta hay quá chú tâm đến kiến thức như là kết quả cuối cùng. Rằng học kiến thức thôi là đủ rồi. Qua khảo sát lớp học lịch sử ở Mỹ, tác giả nhận thấy chuyện dạy kiến thức “chay” trước rất phổ biến. Ví dụ có lớp, giáo viên cho biết họ chủ ý dạy kiến thức cho học sinh trong nửa năm học đầu, nửa năm sau sẽ chú ý vào dạy học sinh cách nghĩ.
Thang Bloom không phải là gì?
Nhiều người, trong đó có mình, lầm tưởng: thang Bloom là thang hướng dẫn tư duy. Không hẳn. Nó đáng ra nên dùng để ĐÁNH GIÁ thôi, nhằm xác định mức độ phức tạp của kiến thức được đưa vào bài dạy nằm ở đâu. Sau khi xác định được thì quay lại chỉnh sửa chương trình. Thang Bloom không cung cấp thông tin về chuyện dạy tư duy ra sao, nếu chỉ trông cậy vào hình tam giác này làm kim chỉ nam để dạy-học thì có thể không ổn.
Theo tác giả, để có tư duy một cách lịch sử, giáo viên và học sinh cần được lật ngược mô hình của Bloom lại. Đồng ý là kiến thức nền quan trọng để học sinh tư duy ở bậc cao hơn, nhưng kiến thức cũng chính là cái đích cuối cùng để việc học hướng tới. Và trước đó các em cần được dạy cách nghĩ bằng những tác vụ như đặt câu hỏi, rồi đánh giá, tổng hợp, phân tích cơ. Cuối cùng mới là thấu hiểu và biết về kiến thức một cách hoàn chỉnh.
Tác giả cho rằng chỉ đặt kiến thức ở dưới cùng làm nền tảng cho tư duy sẽ ngầm ám chỉ một thế giới đầy những điều đã biết. Nó cũng ám chỉ cụm từ “tư duy phản biện, thẩm soát” dễ được hiểu theo kiểu thu thập những quan điểm đã được chấp nhận và có sẵn để đưa ra phán xét. Nhưng đây không phải lý do và cách thức chúng ta nghiên cứu lịch sử trong thực tế.
Kiến thức của học sinh cần là kết quả của tư duy và khám phá thay vì chỉ chấp nhận. Như này.
Tư duy của nhà sử học
Tất nhiên, một trong những lập luận để bẻ lại ý của tác giả Sam Wineburg là học sinh có phải nhà sử học đâu?! Nhà sử học có nhiệm vụ đi tìm kiến thức lịch sử mới (nhân tiện nói luôn là rất ít người biết công việc của nhà sử học là làm gì). Còn học sinh có nhiệm vụ là … học những kiến thức đã được công nhận rộng rãi cơ mà!
Lập luận này đúng. Tuy nhiên, việc mong học sinh học bằng cách chấp nhận kiến thức thôi đã được chứng minh là không ổn.
Đề tài nghiên cứu mình đang làm gắn với việc đánh giá chương trình khoa học xem có phản ánh cách nhà khoa học làm việc không. Và tới đây khi đọc sách này thì mình thấy một lập luận hỗ trợ mình đến từ Sam Wineburg. Ông cho rằng cần dạy sử cho học sinh theo cách tư duy của nhà sử học. Điều này không phải là để đào tạo học sinh thành nhà khoa học hay nhà sử học, mà bởi vì dạy học sinh theo cách những người này làm việc có thể giúp học sinh hiểu được à mình đang học gì, tại sao phải học cái đó, và kiến thức đó ở đâu ra? Việc nghiên cứu cách nhà sử học làm việc và cho học sinh có cơ hội trải nghiệm “sản xuất” kiến thức lịch sử cần được khuyến khích.
Người ta hay phân biệt hai thế giới: trong nhà trường và ngoài đời. (“Sau này ra đời rồi biết.”)
Tại sao không nghĩ trong trường chính là đời rồi? Mang đời vào trong đây giúp học sinh nào.
Mình theo gợi ý của Sam Wineburg, lật ngược thang Bloom phiên bản mới và vẽ lại dưới đây.
Bài viết tham khảo từ cuốn Why Learn History của Sam Wineburg nhân dịp MindTriibe đọc lịch sử.
ThE tOo BlUe SCientIST
Pingback: Từ vựng mới - The Too Blue Scientist