Mình thích biên dịch. Việc dịch một tác phẩm giúp mình có được cái nhìn sâu hơn về những gì được nhắc tới. Chưa kể biên dịch còn giúp mình chuyển ngữ từ giọng nói tiếng Anh trong đầu sang tiếng mẹ đẻ mà mình thật sự hiểu. Vì thỉnh thoảng mình vẫn cảm thấy đọc tiếng Anh như đeo khẩu trang vào mùa đông vậy: nó làm mờ kính.
Những ai thân thiết với mình đều biết John Green là một “thần tượng” của mình. Trong những nơi câu chữ John Green góp mặt, có một bài diễn văn tốt nghiệp mà thỉnh thoảng mình hay nghe lại để được nhắc nhớ. Bài nói chuyện này được John chia sẻ tại lễ tốt nghiệp tại trường đại học cũ của anh Kenyon năm 2016. Bạn có thể xem toàn bài diễn văn ở cuối bản dịch này.
Bài diễn văn tên Learn to Listen – Học cách lắng nghe.
Chủ tịch Decatur, Quý Thầy Cô, Cán bộ nhân viên, Phụ huynh, Bạn bè và Toàn thể sinh viên của Kenyon khoá 2016 thân mến: Xin chúc mừng tất cả mọi người.
Mười bảy năm trước, tôi đáng lẽ đã tốt nghiệp khỏi Kenyon nhưng cuối cùng lại cần thêm một kì học nữa. Song tôi vẫn tham dự ngày lễ tốt nghiệp với bạn học cùng lứa với mình. Tôi chả nhớ gì về bài diễn văn tốt nghiệp cả, ngoại trừ chuyện nó kéo dài tới tận mười ngàn năm. Cả tá đế chế lần lượt được gầy dựng và suy tàn đi thì vị diễn giả vẫn vo ve vo ve giọng nói đều đều của ổng. Vì vậy hôm nay tôi đến đây không có gì khác ngoài một lời hứa trang trọng duy nhất: Dù gì đi nữa, bài nói chuyện này cũng sẽ kết thúc trong vòng 14 phút.
Nếu mọi người không phiền, tôi muốn dành một trong những phút này trong im lặng. Đây là một trò tôi học được từ người dẫn chương trình truyền hình thiếu nhi Fred Rogers. Nếu không phiền, tôi muốn mời tất cả chúng ta, không chỉ các bạn sinh viên mà tất cả chúng ta, cùng nhắm mắt lại và nghĩ trong một phút, chỉ một phút thôi, về những người đã yêu thương chúng ta cho đến giây phút này – gia đình, bạn bè, giáo viên, và cả những người lạ mặt tử tế. Tôi sẽ canh thời gian.
(Im lặng)
Những con người ấy đang rất tự hào về bạn trong khoảnh khắc này. Tâm trí tôi quay về với những năm tháng tôi còn ở Kenyon, và với những vị giáo sư của tôi, đặc biệt là GS Don Rogan, người vừa mất trong năm học này. Giáo sư Rogan là một giáo viên tuyệt vời, nhưng tôi quên hết thảy những gì được học trong lớp của ông về hiện tượng luận hay bình luận về phúc âm. Điều mà tôi nhớ nhất là thầy ấy thương tôi và thầy ấy coi trọng tôi. Thầy và vợ thầy Sally chào đón tôi đến nhà họ, chiêu đãi tôi, cười cũng tôi, khóc cùng tôi.
Nhiều năm qua đi tôi vẫn luôn tự hỏi sao thầy ấy thương tôi dữ vậy – tôi đâu phải một học sinh ưu tú gì, tôi cũng không bộc lộ một tiềm năng nào cả. Và rồi khi thầy ấy mất, tôi chứng kiến những thông báo tiếc thương từ học trò cũ tràn ngập trên tường Facebook của thầy. Tôi nhận ra là thầy đã thương tất cả chúng tôi.
Tình thương yêu không hề giống khối lượng hay năng lượng, nó không được bảo toàn. Và 17 năm sau này, các bạn chắc chắn sẽ quên đi rất nhiều thứ nhưng sẽ không thể nào quên được sự tử tế và rộng lượng của những con người trên ngọn đồi này, những người đã tử tế và rộng lượng hơn mức họ cần.
Okay, thời tôi còn là sinh viên ở đây, có một lời đồn lan truyền trong mấy đứa tụi tôi, rằng thứ được gọi là thế-giới-thực-của-người-lớn chẳng qua là một đại dịch mà bạn sẽ mắc phải và kiểu gì cũng chết bởi nó. Tuổi trưởng thành, với những khoản vay thế chấp, những bảng tính Excel, và mấy bãi cỏ lớn trước hiên nhà đợi chăm sóc, trông như một thứ khiến bạn kinh hãi và trốn chạy khỏi nó. Nhưng rồi thì nó cũng hoàn toàn chiếm lấy bạn, như một đại dịch truyền nhiễm vậy.
Và khi bị tuổi trưởng thành chiếm cứ rồi, bạn sẽ bắt đầu nói mấy thứ như là: “Nhận thức về thương hiệu trong bối cảnh truyền thông bị đứt gãy”, và “Chúng ta cần một vị tổng thống thật sự biết làm ăn cho ra trò.”
Làm người lớn đồng nghĩa với việc có hứng thú với những cuộc đối thoại chán chết về thời tiết. Có lần khi tôi đang ở Kenyon thì bà tôi gọi điện cho tôi, bảo rằng bà đang xem kênh Thời tiết và thấy đang có mưa ở Ohio. Tôi giải thích với bà rằng tôi đang đọc Ulysses, rằng tôi còn không đang ở Gambier (thuộc bang Ohio-nd) mà đang ở Dublin – Ireland vào năm 1904, rằng lịch sử là một cơn ác mộng mà Dedalus đang cố thức tỉnh, và chẳng có gì – thật sự là chẳng có gì – kém quan trọng hơn thời tiết bây giờ cả. Rồi, một khắc sau đó bà hỏi tôi, “Ủa thế là trời có mưa hay không?”
Làm người lớn giống như làm một hòn đá trên sông bị va đập bởi vô vàn dòng chảy xiết của những thứ khủng khiếp nhưng tầm thường vụn vặt, từ “định dạng lí lịch xin việc” tới “hoá đơn tiền điện”. Chúng sẽ bào mòn những cạnh sắc của tôi, cho đến khi tôi ngước lên và nhận ra mình y chang mọi người khác.
Giờ là đoạn mà đáng ra tôi phải nói với các bạn là thật tình làm người lớn không có gì tệ đâu và blah blah blah nhưng KHÔNG. KHÔNG. KHÔNG. KHÔNG HỀ. TRƯỞNG THÀNH RẤT RẤT RẤT TỆ. Nói thẳng ra thì nó thậm chí còn tệ hơn tôi tưởng nhiều. Kiểu, có bao giờ bạn đến tham dự một buổi họp tổ dân phố chưa? Mỗi bạn sinh viên khoá 2016 đang ngồi đây là một sinh linh phi thường, quý giá và hiếm có trong toàn cõi vũ trụ đang chết dần này. Tưởng tượng, bạn cam kết 02 tiếng đồng hồ trong quĩ thời gian tươi sáng nhưng ngắn ngủi của mình vào việc tranh cãi xem liệu độ cao của thảm cỏ trong khu dân cư nên dài 10 hay 15 cm.
Nhưng đó lại là sự thật: bạn sẽ tranh luận về chiều cao thảm cỏ hoặc những thứ lố bịch tương tự. Bạn sẽ phải học, dù hoàn toàn ngược lại ý chí của mình, sự khác biệt giữa bảo hiểm nhân thọ có thời hạn và trọn đời. Bạn sẽ lái thử một chiếc xe hơi và nhận ra mình ngạc nhiên vô cùng trước chất lượng của cái vô lăng. Và dọc đường đi, bạn sẽ thấy mình tự hỏi: “Tại sao tôi lại làm việc này? Tại sao tôi lại đang làm tất cả những việc này?”
Theo kinh nghiệm của tôi thì đây là lúc nền giáo dục ở Kenyon sẽ trở nên có ích. Bởi dù bạn có học kinh tế hay nhân chủng học, thì trong 4 hay 5 năm qua, bạn đã đang khám phá những gì tạo nên một cuộc đời thành công và tròn đầy. Tôi cho rằng đây chính là trưởng-thành. Rằng làm-người-lớn không phải là cái mà bạn đã được chuẩn bị ở Kenyon, mà thật ra là bạn vẫn đang làm nó rồi, dù không phải với kích thước của một cái xe hơi.
Có lẽ bạn đã quen với câu nói “nền giáo dục khai phóng dạy người ta cách nghĩ” nhưng tôi cho rằng cái chính mà nó dạy bạn là cách lắng nghe. Trong lớp học hay trong các bài đọc, bạn vẫn luôn lắng nghe. Bạn đã lắng nghe giáo sư và bạn học của mình, nhưng đồng thời cũng lắng nghe Toni Morrison và Jane Austen và John Milton, khi tất cả các bạn đang cùng đi tìm lời giải cho những câu hỏi lớn nhất của giống loài mình: Chúng ta đang mắc nợ chính mình điều gì? Chúng ta đang mắc nợ người khác điều gì? Bản chất của vũ trụ là gì và chúng ta có vai trò gì trong đó? Cách tốt nhất để chúng ta giảm bớt sự đau khổ bên trong và bên ngoài bản thân mình là gì?
Bạn đã đọc và học về những câu hỏi này ở Kenyon, nhưng bạn sẽ không bỏ chúng lại đây. Tuy việc cất lên tiếng nói của mình để trả lời cho những câu hỏi lớn ở trên là vô cùng quan trọng, bạn cũng đã học được rằng tiếng nói của mình càng mạnh mẽ khi bạn càng lắng nghe. Bạn sẽ không chỉ nghe thấy những giọng nói to lớn mà còn chú tâm lắng nghe cả những giọng nói không thành lời do bị chèn ép một cách có hệ thống.
Tôi hi vọng chuyện lắng nghe sẽ giúp bạn miễn nhiễm với những dối trá đầy lôi cuốn trong thời đại của chúng ta: rằng sức mạnh và cứng rắn luôn có giá trị, rằng sự ích kỉ không những cần thiết mà còn đáng khát khao, rằng cả thế giới sẽ được lợi tốt nhất khi bạn hành động theo sở thích nhất thời hạn hẹp của mình.
Những lời dối trá này luôn quyến rũ vì nó cho phép chúng ta tiếp tục làm những gì chúng ta đang làm, và vì nó cho ta viễn cảnh của một thế giới mà trong đó ta thật sự LÀ thứ ta CẢM THẤY ta là: trung tâm của vũ trụ. Nhưng sống cho riêng mình, ngay cả khi thành công đi chăng nữa cũng không thể lấp đầy khoảng trống trải bất tận bên trong bạn.
Theo trải nghiệm của tôi, sự trống trải đó không được lấp đầy bằng sức mạnh mà bằng sự yếu đuối. Chính lòng yêu thương và sự lắng nghe làm bạn yếu đuối trước thế giới. Chúng có thể làm bạn tổn thương. Chúng khiến bạn mở lòng. Và chỉ khi yếu đuối, bạn mới thật sự trông thấy, ghi nhận, tha thứ và yêu lấy sự yếu đuối bên trong người khác. Sự yếu đuối cho phép bạn nhìn người khác không phải là kẻ thù để chiến thằng mà là những kết nối để hợp tác và cùng sáng tạo. Để rồi cuối cùng, ta cùng nhau xây nên sự nhân văn và tình người dọc đường ta đi.
Trong buổi họp mặt tổ dân phố kia, khi đám người lớn khốn khổ đang cãi nhau về chiều cao thảm cỏ, cái họ đang thực sự làm là tranh luận về bộ mặt của một tổ dân phố họ muốn cùng chia sẻ. Khi phải chọn giữa bảo hiểm nhân thọ trọn đời hay có thời hạn, cái bạn đang thực sự nghĩ về là một thế giới không có mặt mình, và làm sao để bạn vẫn có ích cho những người bạn buộc phải bỏ lại phía sau. Và thật may mắn làm sao khi ta có thể để lại ai đó phía sau để họ tiếp tục đan dệt nên một mạng lưới liên kết con người bền chặt.
Mà thực ra, từ hoá đơn tiền điện cho đến sở làm, nơi đồng nghiệp của bạn gọi nhau là “đồng đội” dù khổ lắm đây có phải bóng đá đâu, tất cả những thứ kinh dị của tuổi trưởng thành này bắt nguồn từ việc sống trong một thế giới khó tránh khỏi những người mà bạn phải học cách lắng nghe. Hoá ra đây lại là chuyện tốt. Và nếu bạn có thể nhớ rằng những cuộc tranh cãi về chiều cao thảm cỏ hay thời tiết thực ra là những cuộc nói chuyện để làm sao chúng ta có thể chịu đựng, san sẻ cùng nhau, chúng không những trở nên dễ chịu hơn mà còn gần như siêu nghiệm.
Còn một cách khác mà việc lắng nghe có ích với bạn. Vài ngày nữa thôi, các bạn sẽ toả đi khắp nơi từ ngôi trường lạ lùng tuyệt vời này và bước chân vào một thế giới mà bạn yếu đuối thấy rõ, ít nhất là trong một khoảng thời gian. Nếu may mắn có được một công việc, kiểu gì việc này cũng dính tới pha cà phê cho sếp, đánh máy nhập liệu, hay viết những đoạn thông báo chả ai thèm đọc. Vài người thậm chí còn đối xử với bạn như thể bạn không phải một con người hoàn chỉnh, phức tạp, đa chiều mà chỉ là một con ốc vít dễ dàng bị thay thế trong tổ chức của họ. Tất cả những điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn coi mình không phải là nhân vật chính của chuyến hành trình trở thành anh hùng, mà thay vào đó là một giọng hát đang góp sức vào bản hùng ca đồ sộ của loài người.
Tuy không nhớ tí gì về bài diễn văn trong lễ tốt nghiệp của mình nhưng tôi lại nhớ như in lời của GS. Wendy MacLeod một ngày trước đó. GS. MacLeod cho em xin lỗi trước về việc mổ xẻ lời lời văn của Cô và không chửi thề dù Cô thì có chửi. Cô ấy đã nói như này: “Bạn đang chuẩn bị trở thành một kẻ vô danh. Điều này rất quan trọng, bởi vì khi bạn trở thành một ai đó rồi, nếu bạn còn nhớ mình ra sao khi không là ai cả, bạn sẽ không trở thành một thằng đểu.” Ngẫm lại thì đây là lời khuyên hay ho thứ hai tôi từng nhận được, sau lời khuyên của GS Rogan dành cho tôi. Ông từng nói với tôi, và tôi nhắc lại nguyên văn ở đây, “Em là một đứa sinh viên tốt, nhưng em cần biết khi nào nên ngừng nói.”
Nên là tôi sẽ im bây giờ đây. Tôi không thể đưa cho các bạn một lời khuyên thực tế nào cả để làm sao để có thể sống một cuộc đời người lớn thành công. Nhưng tôi thấy mình không cần làm chuyện đó. Những con người bạn đã nhớ về trong một phút im lặng hồi nãy, họ là người mà bạn muốn trở thành khi lớn lên. Họ đã mạnh mẽ vì bạn nhưng cũng yếu đuối vì bạn. Họ đã lắng nghe bạn. Họ đã vô cùng tử tế với bạn. Thậm chí, không phải là bạn không thể ở đây nếu không có họ, mà bạn còn không thể là mình nếu không có họ. Nếu họ đang có mặt ở đây hôm nay, tôi mong bạn có thể dành vài giây để cám ơn họ. Nếu không ở đây, có thể tí nữa họ sẽ gọi để hỏi thăm lễ tốt nghiệp của bạn thế nào. Thậm chí họ có thể hỏi thời tiết đang ra sao. Nói với họ rằng trời mưa lạnh tới khó tin cho một ngày tháng Năm, và đừng quên hỏi, xem bầu trời bên họ có đang mưa.
Xin cám ơn.
John Green, 2016