Não bộ và quản lý lớp học: Trẻ đã có sẵn nguyên liệu đạo đức bên trong (P.1)

You are currently viewing Não bộ và quản lý lớp học: Trẻ đã có sẵn nguyên liệu đạo đức bên trong (P.1)

Công việc chính của mình là dạy khoa học cho trẻ tiểu học. À mà không phải, công việc chính của mình là đảm bảo việc học khoa học của trẻ diễn ra thuận lợi nhất có thể. Nhưng việc này làm mình toát mồ hôi lắm luôn.

Krisnamurti đã viết đại ý rằng quy mô của trường học nên nhỏ thôi. Lúc này việc dạy và học sẽ diễn ra thoải mái và đạt hiệu quả nhất, giáo viên không cần nhiều đến kỷ luật để duy trì trật tự. Tuy nhiên, trong thực tế thì khó mà được như vậy. Lớp học đông nhất mình từng dạy có khoảng 60 – 80 học sinh (tiểu học!), vắng thì 20 – 30. Tỉ lệ giáo viên : học sinh khoảng 1 : 10, 1 : 20 hoặc hơn.

Do vậy, việc lớp “như cái chợ vỡ”; lớp trưởng, tổ trưởng tập trung ghi tên các bạn vi phạm; người lớn quát tháo, dùng thước gỗ (để gõ bàn hoặc gõ chỗ khác), phạt quỳ gối, … hoặc tệ hơn, không hiếm đâu. Mình nghĩ trong tình huống đầy sức ép như thế, đó là những cách họ đối phó với sự thể này.

Image result for little prince quotes about adult
Nguồn: Goalcast

Mình đã đọc một số tựa sách liên quan đến việc giáo dục thay đổi hành vi của trẻ như Nói sao cho trẻ chịu nghe, nghe sao cho trẻ chịu nói (Adele Faber & Elaine Mazlish) (1)Giáo dục không trừng phạt (Thomas Gordon) (2). Trong những tháng ngày đầu đi dạy, mình từng ước là các tác giả sẽ phát hành cuốn Nói sao cho 60 trẻ chịu học ở trường cơ.

Nửa cuối cuốn Luật trí não dành cho trẻ của John Medina, một lần nữa, cung cấp cho người lớn có làm việc với trẻ một số nguyên tắc giáo dục đạo đức, hướng dẫn trẻ cư xử có chừng mực (khá giống quyển 1) dựa trên những cơ sở khoa học xác tín (nhẹ đô hơn quyển 2). Ngoài cẩm nang know-how, sách dẫn chứng những nghiên cứu và thực nghiệm trong lĩnh vực não bộ và tâm để thuyết phục người lớn nên làm gì trong những tình huống “khó đỡ”.

Image result for luật trí não dành cho trẻ
Nguồn: Fahasa

Loạt bài này sẽ tổng hợp lại những nguyên tắc trong sách, với mục đích chính là để mình ôn bài. Phần đầu tiên là cơ sở khoa học của việc giáo dục đạo đức thông qua giáo dục cảm xúc.

“TRẺ ĐÃ CÓ SẴN NGUYÊN LIỆU ĐẠO ĐỨC BÊN TRONG”
(đoạn tiếp theo sẽ khá logic, mình hi vọng thế)

1. Từ xưa, con người có tập tính xã hội và có nhu cầu hợp tác với những cá thể khác dưới hình thức đội, nhóm hay các tổ chức. Để chung sống hòa thuận, mang lại nhiều lợi ích và hạn chế rủi ro nhất cho tổ chức và cá nhân, chúng ta có xu hướng đề ra một bộ quy tắc ứng xử chung là “đạo đức”.

Một số bằng chứng về cách cư xử đạo đức từ những giống loài anh em (theo thuyết tiến hóa) và khảo sát trên diện rộng cũng cho chúng ta thêm niềm tin rằng một con người mới được sinh ra, bất kể nơi chốn, đã kèm sẵn những ý niệm chung khá giống nhau về đạo đức.

2. Tuy nhiên, có sẵn ý niệm đạo đức vẫn có thể dẫn tới cả hành vi đúng đắn hoặc sai trái, tùy vào “lương tâm” và “nhận thức”, cái mà được tin rằng sẽ phát triển qua quá trình giáo dục.

3. Mục tiêu cao nhất của việc phát triển đạo đức là làm sao để con người tự nguyện làm điều đúng đắn và né tránh điều sai trái (động lực bên trong), cho dù động lực bên ngoài (thưởng, phạt, cám dỗ) có thế nào đi nữa.

4. Các giai đoạn phát triển đạo đức theo Kohlberg và Piaget bao gồm:
– tránh bị trừng phạt: làm điều được bảo là đúng để không bị phạt,
– suy xét hệ quả xã hội: cân nhắc hệ quả xã hội (được chấp thuận, bị hắt hủi,…) và từ đó điều chỉnh hành vi,
– hành động dựa trên suy xét cá nhân: tự bản thân thấy cần làm, không lo bị phạt hay được chấp thuận hay không.

5. Để đạt đến giai đoạn cao nhất, trẻ cần quan sát “gương tốt” và “gương xấu”. Bandura cho rằng con người học nhiều (cái xấu và tốt) qua quan sát hành vi của người khác. Ngoài ra, những nghiên cứu về tổn thương não làm ảnh hưởng tới khả năng ra quyết định và kiểm soát cảm xúc dẫn tới thay đổi những nhận thức và hành vi đạo đức.

6. Tóm lại, việc hướng dẫn trẻ quản lý cảm xúc của mình góp phần quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ. Trong quá trình đó, người lớn cần phải đồng cảm, biết dự đoán cảm xúc của trẻ và cần nêu “gương tốt”.

Ngay cả khi viết tới đây, mình vẫn thấy hoàn toàn cảm thông với thái độ và cách ứng biến của những người lớn trong hoàn cảnh mình nói ở đầu bài viết. Chính người đọc sách và viết tổng hợp là mình còn thấy hổ thẹn vì đã có lúc trong trạng thái trên.

Bài sau mình sẽ tổng hợp rõ hơn phần cẩm nang know-how.
Cảm ơn bạn đã đọc bài.

Chúc bạn làm việc với trẻ em vui vẻ.


This Post Has One Comment

Leave a Reply