Một ngôi trường lý tưởng cần có gì?

You are currently viewing Một ngôi trường lý tưởng cần có gì?
Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống

Triết gia người Ấn Jiddu Krishnamurti tự nhận mình là một người tự do: không có quốc tịch, không theo tôn giáo, không thuộc một tầng lớp giai cấp và không ủng hộ một trường phái chính trị nào. Trong cuốn Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống, ông bàn về giáo dục và dùng giáo dục để nhìn những vấn đề khác với tư tưởng chính là tôn trọng cá nhân. Krishnamurti không đề cao vai trò hay thành công của riêng một cá nhân, ông quan tâm việc cá nhân đó có tự do hay không, có hiểu được chính mình và hiểu được “tiến trình toàn diện của cuộc sống” hay không.

Việc theo đuổi thành công dẫn đến sự xung đột của bản thân cá nhân với xã hội, làm nảy sinh tâm lý “mong cầu phần thưởng” và ham muốn được công nhận, dẫn đến “cảm giác sợ hãi”, sự tuân phục hay ưa thích an toàn. Ông cho rằng đây là khởi nguồn cho mâu thuẫn và chiến tranh.

Trẻ em như tờ giấy trắng, bị phụ thuộc rất nhiều vào người lớn và môi trường xung quanh trong việc hình thành nhận thức của mình. Việc người lớn có tự do hay không, có khai minh hay không ảnh hưởng tới tự do và khai minh của tụi nhỏ. Hoặc là con người sinh sống hòa bình với nhau và với thiên nhiên, hoặc là con người tham lam mù quáng gây chiến với mọi thứ quanh mình rồi kéo tất cả đến bờ diệt vong. Những viễn cảnh khả dĩ đó, theo tác giả, phụ thuộc rất nhiều vào giáo dục. Trong cuốn sách, ông dành một chương để bày tỏ về “tiêu chuẩn” của một ngôi trường lý tưởng.

Theo ông, ngôi trường lý tưởng này trước hết phải được lập ra và hoạt động vì mục đích tối thượng là giáo dục trẻ em để hiểu chính mình và hiểu được toàn diện cuộc sống. Nếu ngôi trường hướng trẻ em theo đuổi thành công, thế giới quanh em sẽ được xây dựng bằng nguyên liệu là sự ích kỷ, không phải tình yêu thương.

Krishnamurti tin vào trường học quy mô nhỏ, học sinh ít hơn là những hệ thống trường lớn có hàng trăm hàng ngàn học sinh. Cách nhanh nhất để làm giảm chất lượng là tăng sĩ số. Người thầy chỉ nên dạy số lượng vừa đủ học sinh mà anh ta có thể dạy một cách thoải mái, sát sao và cá thể. Thầy cần phải có không – thời gian để hiểu trò, từ đó tìm ra cách giáo dục phù hợp với năng lực và xu hướng của mỗi cá nhân. Những hệ thống giáo dục lớn và dành cho số đông loay hoay mà vẫn không thể làm tốt được, “dạy học cá thể” chỉ là một khẩu hiệu sáo rỗng. Những lớp học nhỏ lẻ ở mỗi khu dân cư do phụ huynh tổ chức có thể là phương án chăng?

Quy mô nhỏ làm những hình thức thưởng – phạt, kỷ luật không còn cần thiết nữa vì mọi thứ đã được thay thế bằng sự quan tâm và tình yêu thương. Ít học sinh khiến cho mọi thứ chậm lại, giáo viên không phải quay cuồng 360 độ mỗi giờ lên lớp mà có thể lùi lại để quan sát học sinh từ xa. Chính lúc ấy họ mới có thể thấy rõ từng học sinh một. Nhịp độ trong trường lớp cũng cần có sự “thong dong” hay chậm rãi nhất định, tạo thời gian để các thành viên thư giãn, làm việc này việc kia nhằm giảm bớt áp lực.

Ngoài ra, những ngôi trường nhỏ này còn cần được thoát ly khỏi vấn đề tiền bạc. Thu – chi – lời – lỗ không nên là mối bận tâm hàng đầu của một ngôi trường. Vị trí đó dành cho trẻ và việc giáo dục trẻ. Krishnamurti tin rằng nếu ngôi trường làm được sứ mệnh của nó, người thầy làm đúng việc, đặt toàn bộ nhiệt huyết của mình vào mỗi đứa trẻ, ắt tiền sẽ đến bằng cách này hay cách khác. Ông khá đả kích việc coi “giáo dục là phương tiện kiếm sống”.

“This school is me.” (Câu này mình nghe được trong buổi hội thảo Israel – Stories to Tell do chị Hằng và chị Quỳnh chia sẻ.) Mọi thành viên đều phải chịu trách nhiệm về ngôi trường của mình nhằm nâng cao tinh thần tự do và thúc đẩy sự hợp tác. Sợ hãi quyền lực không nên tồn tại trong ngôi trường. Giáo viên của trường không được chọn lựa từ những kỳ thi mà tự nguyện vào trường vì tin sứ mệnh của nó. Cơ cấu tổ chức trong nhà trường phải tôn trọng tập thể giáo viên, không nên tập trung mọi quyền lực tại một mình người hiệu trưởng. Những cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa các giáo viên và giữa họ với học sinh sẽ tạo thêm sự bình đẳng và không khí gắn kết. Tiếng nói của học sinh cần được coi trọng, như thành lập một “hội đồng học sinh” sẵn sàng lên tiếng cùng hội đồng sư phạm về những yếu tố liên quan tới mình.

Giáo viên cần quan tâm đến sự tự do và tính cá thể khi giáo dục học sinh. Họ phải tìm hiểu rõ hoàn cảnh, tính cách, năng lực, xu hướng của mỗi em để lựa theo đó mà hướng dẫn. Điều cần nhất là không áp đặt quan điểm, kinh nghiệm, lý tưởng hay mục tiêu của người lớn lên các em vì sẽ cản trở sáng tạo. Do đó, việc người thầy tự do và không phải công cụ của một thế lực nào là điều kiện tiên quyết.

Những ý tưởng “đi ngược chiều” của Krishnamurti về một ngôi trường lý tưởng hình như không còn mới ở thời đại ngày nay, ai cũng hiểu cách làm đúng thì phải thế. “Biết rồi, khổ lắm, mơ mãi.” Nhưng vì sao chúng ta vẫn loay hoay đi tìm cho mình một lối đi?

“Nền văn hóa đích thực không dựa trên những người kỹ sư hay nhà kỹ thuật, mà dựa trên các nhà giáo dục.”

Bạn nghĩ gì về ngôi trường lý tưởng của mình? Mời bạn chia sẻ suy nghĩ của bạn nhé.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
The Too Blue Scientist

This Post Has 2 Comments

Leave a Reply