Trong hoang mang, mình có được một tư duy mới.
Hai học kì vừa rồi mình chọn hai môn khoa học: Truyền thông môi trường quốc tế (IEC) * và Khoa học môi trường (ES) **.
Trong cả hai môn, tụi mình được yêu cầu lục tìm các tin tức về môi trường. Nhờ vậy, mình biết môi trường trên Trái đất xảy ra những gì từ đầu 2020 tới nay. Vì đọc nhiều và phân tích khá sâu mà mình có thể kết nối các sự kiện lại. Từ đó có được sự hiểu biết mang tính hệ thống chứ không manh mún. Bài viết này là một ví dụ.
Điểm khác biệt giữa hai môn là mục tiêu.
Trong môn IEC, sau khi đọc tin tụi mình báo cáo trước lớp nội dung, rồi đánh giá về cách thông tin được truyền đạt tới người đọc.
Bạn tưởng tượng được chưa? Trong một buổi, không biết bao nhiêu tin tức bay đến mang theo bấy nhiêu vấn đề, rồi để đấy. Người thuyết trình về chỗ, ngồi xuống.
Ê, vậy rồi sao? Trái đất nóng lên gần ngưỡng 2 độ C, khí thải, ô nhiễm nước, bụi mịn, thời trang ăn liền, năng lượng không bền vững, vi nhựa, băng tan khiến CH4 chực thoát ra, … Rồi sao nữa?
Ê thật mà, bạn gì mới thuyết trình ơi, tiếp theo là gì?! Đây là vấn đề của ai? Của môi trường, khí hậu, của chung. Ai lo?
Nhiều buổi học của mình kết thúc trong tâm lý hoang mang và khó chịu khi những câu hỏi trên không được giải quyết. Có một cụm từ tên climate-anxiety miêu tả cảm xúc này.
Với môn ES, tụi mình có một hướng tiếp cận khác. Đây cũng là một trong những môn có đòi hỏi cao nhất với ba mục tiêu lớn.
Một, người học hiểu được tình trạng Trái đất dựa trên khoa học. Hai, hiểu Taiwan đang làm gì để cùng thế giới ứng phó. Và quan trọng nhất, người học có thể tạo ra một tác động tích cực ra sao.
Giáo sư đứng lớp mình từng đại diện Taiwan tham dự nhiều phiên thảo luận về những hiệp định môi trường lớn trên thế giới. Ngay đầu khoá, thầy đưa ra loạt báo cáo những vấn đề nhức nhối (issues) mà loài người đang phải đối mặt. Sau khi tìm hiểu, mỗi nhóm chọn một vấn đề và có ba tháng để lên kế hoạch hành động.
Ok, vậy là tụi mình phải lên kế hoạch làm gì đó với một trong những vấn đề to lớn tưởng như ngoài tầm với.
Ba “hộp dụng cụ” được cung cấp: tư duy hệ thống + phản biện, business, nền tảng kinh tế xoay vòng ***.
Oooh, làm kinh doanh.
Những câu hỏi bay đến trong thảo luận nhóm. Vấn đề gì, giải quyết cho ai, tầm quan trọng ra sao, sản phẩm là gì, khách hàng trả lại gì, làm sao để business tồn tại bền vững? Làm sao để đảm bảo lưu thông dòng chảy tiền mặt, dòng chảy vật liệu, dòng chảy thông tin, và dòng chảy năng lượng?
Wow, đây là cả một thế giới mới mẻ với mình.
Những gì mình biết về business là 0.5/100 kèm những định kiến đã cũ. Kinh doanh là kiếm tiền làm lợi cho mình. Mình được tiền thì ai đó mất tiền. Là mua đi bán lại. Money-based, profit-based. Nghe chán nhỉ?
Mình chưa biết nhìn kinh doanh theo kiểu tạo ra một giải pháp, một công nghệ để giải quyết những vấn đề, vấn nạn. Problem-based, issue-based.
Để làm được, tụi mình cần thấy vấn đề, và nhìn ra xa hơn nữa.
Có nhóm thấy nhiều người còn dùng túi nylon một lần quá. Họ làm giải pháp dán mã vạch vào túi xách dùng nhiều lần để tích điểm. Một con chatbot được tạo ra để nhắc người dùng nhớ mang túi khi đi mua đồ. Chatbot dự định kiếm tiền nhờ quảng cáo cho các tiệm ăn trong khu vực.
Một nhóm khác muốn gây quỹ cộng đồng để làm tour du lịch sinh thái kết hợp giáo dục môi trường. Họ muốn “nhắc khéo” khách du lịch tôn trọng không gian sinh sống của dân tộc bản địa.
Có nhóm so sánh lợi ích và chi phí sử dụng cốc nhựa dùng một lần với cốc tái sử dụng. Nếu sử dụng 72 lần thì cốc dùng lâu có ích hơn, cả về kinh tế lẫn môi trường. Họ lên kế hoạch mở dịch vụ cho thuê cốc và dự định hợp tác với các cửa hàng tiện lợi như 7-11 hay FamilyMart.
Nhóm mình lên kế hoạch làm trung gian nhận lấy quần áo cũ của cộng động và bán lại cho các công ty có mô hình circular economy. Một bạn người Malay đang chạy một công ty tương tự ở nhà đã có ít nhiều kinh nghiệm.
Một trong những thiếu sót phổ biến nhất của các nhóm là tiền. Ý tưởng giải quyết vấn đề thì được đấy, sao để nó bền vững? Mình có thể làm miễn phí, lỗ vốn hoà vốn nhưng khó làm được dài lâu. Và thiếu động lực thì không vui. Ý nghĩa đơn giản nhưng sâu của chữ “bền vững” là thế.
100% dự án ở trên đều đang là kế hoạch. Có thể 20% thực sự bắt tay vào xây dựng sau khi khoá học kết thúc. Nhiều lắm 5% thành công. Nhưng chắc chắn 1000% vui, lạc quan, và hiểu biết nhiều hơn để có thể “làm gì đó”.
Mình nhìn thấy những vấn đề. Mình cũng thấy được viễn cảnh chúng có thể tốt hơn, bằng cách này hay cách khác. Ở giữa là khe hở. Mình tập nghĩ xem có thể làm gì? Và ý tưởng bay đến.
Tất nhiên, không ai giải quyết được mọi vấn đề hay tự làm một mình nổi. Nhưng mình được quyền chọn vấn đề cho mình. Dù to hay nhỏ thì giải quyết được cũng có ý nghĩa.
Elon Musk chọn năng lượng bền vững, du hành vũ trụ, và giao thông để giải quyết.
Boyan Slat chọn rác trên biển để giải quyết.
Chị Kha chọn dạy trẻ làm khoa học.
Mình muốn làm gì? Mình giỏi việc gì? Thế giới bên ngoài cần gì? Ai có thể giúp mình? (Ồ, Ikigai?!)
Trong cuộc phỏng vấn 40 phút trên TED Talk, sau khi được ca lợi hết lời bởi người dẫn, Elon Musk bảo ****:
Không, tui không thực sự giúp ai cả, tui chỉ cố nghĩ về tương lai và không buồn thôi.
“No, I’m not trying to be anyone’s saver. I’m just trying to think about the future and not be sad.”
Bài viết này không nhằm mục đích kêu gọi ai đó và chính mình “làm đi, ngưng than vãn”. Bài viết chỉ đặt ra vài câu hỏi từ First Principle Thinking:
Mình thấy vấn đề gì? Mình chọn làm gì? Giải pháp đó giúp được ai? Làm sao để giải pháp của mình bền và vui? Cần gì để xây nó?
Chà, thà lạc quan mà sai còn hơn bi quan mà đúng. Ha?
* International Environmental Communication
** Environmental Science
*** Circular Economy
**** The future we’re building — and boring
Pingback: Mình là một science writer - The Too Blue Scientist
Thú vị!
Bài viết này hay quá a Hải ơi, e thích cách anh Hải liên hệ câu chuyện trong môn học của anh Hải với góc nhìn về sự lạc quan khi kinh doanh 😀 cả hình vẽ minh họa cũng dí dỏm thực sự 😀 mong chờ nhiều bài viết hơn từ a Hải 😉
“Thà lạc quan mà sai còn hơn bi quan mà đúng”. Câu quá chuẩn luôn bạn. Hình mình họa của bài viết cũng quá vui nữa. – JU Phạm-
Cảm ơn Ju đã khen hình vẽ dễ thương 😀 Hi vọng mấy hình nhỏ nhỏ này đã giúp bạn dễ đọc hơn 😉
hehe, mình hy vọng bạn sẽ lạc quan và cả… đúng nữa 😀
chúc bạn lạc quan và đúng, giống mình :))