Lập luận từ nguyên lí cơ bản – First Principle Thinking

You are currently viewing Lập luận từ nguyên lí cơ bản – First Principle Thinking

Thiết kế chế tạo tên lửa và làm đám cưới có gì giống nhau?

Bỗng nhiên trong vòng tròn input của mình cùng nhắc đến First Principle Thinking. Từ những thinker cũ như Richard Feynman, Anne Lamott đến mới như Elon Musk, Derek Sivers, Priya Parker. Mình nhận ra đôi lúc dùng cách suy nghĩ này mà không biết nó cũng có tên.

Tuy mang chữ “thinking” hay “tư duy”, nhưng nó chỉ thiên về “cái đầu”. “Bộ đồ lòng” cảm tính và cảm xúc của người ta cũng sẽ được đụng tới.

Mình tạm dịch First Principle Thinking, hay Reasoning from First PrinciplesLập luận từ những nguyên lí cơ bản.

First Principle là gì?

Cụm từ này bắt nguồn từ logic học và khoa học.

Một nguyên lí cơ bản là cái giả định hoặc cơ sở được dùng để phát triển một lập luận từ đó đi lên. Có thể hiểu là không thể chia cái nguyên lí cơ bản này ra nhỏ hơn được nữa.

Nhà toán học chứng minh định lý dựa trên các tiên đề. Nhà khoa học dựa trên những định luật, những kết quả thí nghiệm đã được kiểm chứng để chứng minh hoặc phủ định giả thuyết ban đầu.

Hồi xưa nếu giải Toán hoặc Vật lí, chắc bạn đã từng dựa vào những cái gì bạn biết chắc chắn là đúng và dùng được để bắt đầu bài giải. À nhưng trước tiên, cần đảm bảo mình thực sự HIỂU cái mình dùng, chứ không phải chỉ biết về CÁI TÊN không.

Rời khoa học và toán học, dễ thấy mỗi vấn đề cần giải quyết, mỗi câu hỏi, mỗi phát minh, mỗi món ăn, mỗi người, … đều có thể được chia thành những thứ nhỏ hơn, cơ bản và cốt lõi.

Kể cả thứ to lớn và phức tạp như tàu vũ trụ cũng có thể là tập hợp của nhiên liệu, bệ phóng, tầng Một, tầng Hai, phi hành gia hoặc vệ tinh đi kèm.

Hay bài viết này được tạo nên từ những luận điểm chính mà mình có thể khéo léo nhét nó đâu đó khiến bạn hiểu mình đang nói gì, hoặc tệ hơn, làm nó rối mù khiến bạn không thèm đọc đến câu này.

Làm sao để tìm ra First Principles và lập luận từ nó như thế nào?

Mình thử trả lời câu này qua hai ví dụ sau.

Tổ chức đám cưới

Priya Parker đưa First Principle Thinking vào quá trình lên ý tưởng cho mỗi sự kiện mà cô tổ chức. À, hai bạn muốn tổ chức đám cưới đúng không? Thay vì hỏi cần làm gì trong đám cưới (“What?”), Priya chuyển thành câu hỏi “Why?”.

  • Hỏi: Tại sao phải tổ chức đám cưới?
  • Đáp: Ủa thì người ta làm như thế mà. Để cưới nhau danh chính ngôn thuận thế thôi hỏi làm gì?

Không, đấy không phải là First Principle Thinking. Biết là tổ chức đám cưới kiểu đấy được, nhưng trăm cái như nhau. Chán, đúng không? Làm lại nào.

  • Hỏi: – Tại sao phải tổ chức đám cưới?
  • Đáp: – Để ăn mừng tình yêu mấy năm qua của tụi mình.
  • Tại sao phải ăn mừng tình yêu này?
  • Vì ở trong một mối quan hệ khó mà, hiểu không?! Đi được đến chỗ quyết định sống cùng với nhau là đáng vui lắm chứ.
  • Tại sao lại quyết định sống chung với nhau?
  • Để sẵn sàng bắt đầu một chương mới của cuộc đời tụi mình.
  • Vậy nhân vật chính của đám cưới này là ai?
  • Tụi tớ chứ ai. Kiểu mời gia đình, bạn bè đến dự với tụi tớ ý.
  • Vậy bạn muốn đón chuyện vui này với họ ra sao?
  • Mình muốn mọi người cười nói, gần gũi để làm quen với nhau.
  • Làm sao để làm được điều đó nhỉ?

Dưới đây là một vấn đề khác to hơn.

Elon Musk muốn đưa con người lên Sao Hoả

Người ta bảo hâm à biết tên lửa đắt lắm không?

Nhưng Musk là một người dùng First Principle Thinking khét tiếng. Ổng hỏi, ủa tên lửa gồm những gì? Tại sao đắt dữ vậy mấy bác? Ủa làm cực vậy mà phóng được có một lần là tèo luôn hả? Giờ tái sử dụng được có phải tiết kiệm hơn bao nhiêu không? Phần nào có thể tái sử dụng được nhỉ?

Và mãi sau thì Falcon 9, Falcon Heavy lần lượt ra đời còn SpaceX giờ đi phóng vệ tinh và phi hành gia thuê cho NASA và cả các quốc gia khác.

Đấy, dần dần, đám gì đi nữa cũng sẽ hiện hình. Đặc trưng, duy nhất và ý nghĩa. Tất cả bắt đầu từ câu hỏi rất ngố, rất cơ bản, chả ai thèm hoặc dám hỏi: Ủa tại sao? Ủa cái đó làm từ gì?

Để không dùng First Principle Thinking

Một, tự mình ngừng cho phép mình đặt những câu hỏi rất vớ vẩn ở trên. Từ bé ai cũng biết đặt mấy câu hỏi này rồi, chỉ là sau này có thể mất đi khả năng ấy.

Hai, không cho ai đặt những câu hỏi có vẻ vớ vẩn ở trên. Thật, mấy người hay hỏi câu này có thể gây phiền toái lắm.

Ba, nói câu “vì người ta làm thế.”

Bốn, nghe câu “vì bố/mẹ/thầy/cô/sếp/bạn bè/đồng nghiệp/tao bảo/làm như thế” và làm theo cách Một.

Đối lập với việc lập luận từ nguyên lí cơ bản là lập luận từ sự tương tự.

Cùng là nấu bếp, nhưng có người làm theo công thức có sẵn. Người khác, ít hơn, có thể chắc chắn về tác dụng của từng nguyên liệu để kết hợp chúng thành một công thức mới.

Rất dễ để tìm kiếm đáp án có sẵn, cái người ta đang làm hay ho và mình có thể bắt chước. Và lập luận từ sự tương tự có thể không có gì sai, thậm chí dễ dàng hơn nhiều.

Nhưng đôi khi dễ dàng khác với đơn giản.

Ví dụ trang blog này từng có quá nhiều thứ thừa thãi mà mình “ăn theo” người khác từ lúc mới làm. Lúc đầu làm theo rất dễ, nhưng để học cách sử dụng thành thạo những công cụ ấy thì không đơn giản.

Tại sao lại dùng First Principle Thinking?

Chả lẽ lại lôi hết tên mấy người nhắc đến cách tư duy này và dẫn chứng là họ đã thành công, vĩ đại và đáng bắt chước nhường nào ra? Đấy là đỉnh cao của lập luận từ sự tương tự rồi. Họ làm thế nhưng vì sao ta cũng nên làm theo?

Thật ra tư duy kiểu này rất vui. Cảm giác mang vấn đề đang gặp ra, moi móc hỏi từng câu để dần dần thu về những điều căn bản, gốc rễ và quan trọng nhất. Tất nhiên là không dễ dàng gì vì cần tập đặt những câu hỏi gốc rễ ấy khi đứng trước mỗi vấn đề.

Nhưng tự dưng chuyện mình “cứng đầu” hay “không nghe lời” bỗng nhiên được chuyện của những người kia ủng hộ. Đôi khi thói quen kiểu đấy sẽ làm phiền người khác nhưng giờ thay vì tự buồn thì mình lại chuyển sang thích phần đấy của mình.

Áp dụng First Principle Thinking vào cuộc sống

Trong cuộc sống, việc lập luận từ những nguyên lý cơ bản có thể đạt được qua việc trả lời các câu hỏi dưới đây:

A. Điều mình thực sự muốn là gì?

B. Hoàn cảnh thực tế đang diễn ra như thế nào?

C. Dựa trên cái mình muốn và thực tế đang diễn ra, mục tiêu của mình là gì?

D. Chiến lược để đi đến mục tiêu ấy trông thế nào?

Tưởng gì lại mấy câu này! Ai chả bỏ qua và không thèm trả lời!

Ừ đúng, vì chuyện này khó thật và dễ nản bỏ xừ.

Hoá ra, những cuốn sách self-help, khoá học “làm chủ cuộc đời” hay giới thiệu vỡ lòng về những concept chung kiểu Ikigai chẳng hạn. Người đọc ra về hân hoan với bí mật cuộc đời vừa được nghe. Kể cả bài viết này nữa cũng rất giỏi cung cấp cái khung-xương-chung-chung ấy.

Nhưng để thực sự trả lời ra ngô ra khoai chắc không ai làm thay mình được.

Vì để trả lời A, cần để ý, quan sát bản thân qua thời gian và thật thà với (chúng) nó.

Cái gì mình thấy quan trọng, nhỏ nhặt; mình mạnh, yếu, thích, ghét, có hứng thú, mau thấy chán; coi trọng, coi khinh; nghĩ là tốt, coi là xấu? Đây chỉ là phần để ý, quan sát bản thân ở quá khứ, hiện tại và đứa trẻ bên trong (nếu có). Nếu may mắn trả lời được những câu này, vẫn còn một phần việc khác: thật thà.

Để ghi nhận những sự kiện, những thông tin quan sát được ở trên như chúng là, không dán nhãn đúng hoặc sai. Kiểu gì mình vẫn là đứa hay đánh lừa mình nhất mà không biết.

Để trả lời câu B cần hiểu thế giới/quốc gia/gia đình/xã hội/ngành/bản thân đang thiếu gì, cần gì? Mình hiện đang có gì để đáp ứng và cần bổ sung gì?

C, giữa một đống nhu cầu nhìn thấy được, chọn gì làm mục tiêu của mình?

Cuối cùng, dựa vào những thứ mình biết từ A, B và C, lên kế hoạch của riêng mình thay vì nhìn người khác làm sao và bắt chước.

Lập luận từ nguyên lí cơ bản có thể đưa mình ra khỏi những lề thói thường quen thuộc và xem thử những khả năng khác.

Trước khi hỏi

Để hỏi, ta phải tò mò. Để tò mò, ta cần hoài nghi:

Có chắc những điều mình biết là đúng?

Có chắc những điều người khác biết là đúng?

Sự không chắc chắn … chắc chắn sẽ đem lại hoang mang, nhưng cũng đồng thời mở ra cái khe hở để mình học.

I wonder why

Richard Feynman, một bậc thầy của First Principle Thinking khác, có làm một bài thơ khi ông mới theo học ở MIT. Mình chép lại để ra đây.

“I wonder why. I wonder why.
I wonder why I wonder.
I wonder why I wonder why I wonder why I wonder why I wonder!”

Tham khảo

Trang blog Wait But Why của Tim Urban có viết một bài không thể dài và không thể xuất sắc hơn về cách Elon Musk dùng First Principle Thinking.

The Art of Gathering của Priya Parker

“Surely You’re Joking, Mr. Feynman!” của Richard Feynman.

Bird by Bird của Anne Lamott

Anything You Want của Derek Sivers

Farnam Street cũng có viết về kiểu tư duy này.

This Post Has 6 Comments

  1. lilainthemoon

    Chào anh, cảm ơn anh về bài viết. Đây là bài đầu tiên em đọc được trên trang của anh và đã lưu lại để khám phá thêm vì nhiều thông tin quá là thú vị. Chúc anh một ngày ít blue hơn ạ <3

Leave a Reply