Chuyện rất ít người biết: mình từng suýt bỏ dở sư phạm để thi lại kinh tế. Ngay năm nhất. Nhớ là đã ôn để chuẩn bị thi lại rồi. Còn nhớ mang máng tên ngành mình nhắm sau khi học tổng quan (khai phóng) là Quản trị nguồn nhân lực thì phải. Cuối cùng chả biết thế nào lại bỏ dở chuyện … bỏ dở.
Vào đại học rồi còn tính bơi ngược ra. Mình biết chắc chắn có rất nhiều người tương tự. Vì vậy mà sau khi đọc hai cuốn sách về lựa chọn-hướng-lập-khởi nghiệp thấy lạ quá. Vì những tư tưởng trong sách hồi ấy mình đâu có nghe ai nói.
Quan điểm khác biệt giữa các thế hệ
Vì sao khi đụng chuyện hướng nghiệp lại có nhiều cảnh cãi nhau to? Để ý nguồn gốc của sự khác biệt (meta-để-ý) để chấp nhận chúng. Hướng bố mẹ, chí con cái, ý họ hàng, ai cũng đúng hết cả. Chị Phoenix Hồ phân tích từ hiện tại đổ về mấy chục năm trước chia làm 3-4 thế hệ gần đây nhất.
Một là thế hệ ông bà. Thời chiến tùy nơi nhưng phần lớn khó có lựa chọn cho riêng mình khi mạng sống qua ngày còn là một dấu hỏi. Hai là bố mẹ sinh ra khi đất nước tập trung tái thiết, bắt đầu làm kinh tế, gầy dựng của cải. Cuộc sống khó khăn nên một công việc ổn định là quý lắm, còn tiền thì càng nhiều càng ít. Ba là khi con cái ra đời mà không phải lo chuyện sinh tồn, lại được yêu chiều hết mực như thể để bù đắp cho những thiếu thốn từ hai thời trước. Hoàn cảnh khác nhau có thể dẫn tới góc nhìn khác nhau.
Nghề-nghiệp phát triển quá nhanh đi. Hồi đó đâu có nghề YouTuber, livestreamer, thuê xe công nghệ,… Thầy cô và bố mẹ không cập nhật kịp. Các em lại bị giới hạn bởi hai hình mẫu lớn nhất ấy. Học toán giỏi thì đi dạy toán. Học toán dở thì phải đi học thêm toán để giỏi toán. Để rồi đi dạy toán.
Không nhất thiết đâu!
Tập trung vào KỸ NĂNG thay vì TÊN ngành nghề
Nhà tuyển dụng nhìn vào những gì bạn đã, đang và có thể làm được. Tùy nơi mà việc học trường, ngành, bằng cấp ra sao có khi còn không phải là điều kiện cần. Họ cần xem bạn làm được chuyện gì chứ không phải biết cái gì.
Ngẫm thấy đúng. Khi gửi CV đi, mình tin vào khả năng cạnh tranh, thậm chí nổi bật của nó. Rốt cục vào rồi mới biết những chi tiết mình cho là “gây ấn tượng” đều không được ai nhớ đến. Chỉ là những dòng chữ trơn thôi. Những điều mình thực sự làm được mới khiến họ nhớ tới.
Áp dụng vào chuyện hướng nghiệp, thay vì chọn TÊN ngành trước, hãy đi từ những KỸ NĂNG mà bạn muốn tìm hiểu/học/làm. Nói chuyện trước đám đông/lập trình/nấu ăn … rồi tìm ngành có thể giúp bạn thực hiện chúng.
Ngành khác Nghề
Ngành (career) khác nghề (job/work). Bạn có thể làm trong ngành giáo dục nhưng không nhất thiết phải là giáo viên. Ngành Y không nhất thiết phải làm bác sỹ.
Học một ngành/nghề lại làm ngành/nghề khác là chuyện thường. Thầy Phan Văn Trường chọn trường theo…thần tượng. Học cầu đường nhưng có xây được cái cầu nào đâu, toàn xây/thương thuyết/mua bán cái khác. Hay học lập trình, thiết kế cũng có thể chuyển sang khởi nghiệp công ty dạy về thiết kế trải nghiệm người dùng UX/UI như anh chàng Greg Rog này. Những bước chuyển trong sự nghiệp không ai có thể nhìn ra trước khi mới ở giai đoạn chọn cả. Toàn phải vào sâu mới biết.
Vì sao phải làm đúng “đam mê”?
Ý tưởng này có lẽ xuất phát từ quan niệm rằng “công việc là làm cả đời”. Từ tuổi 22 tới tuổi 60 – 65 bạn chỉ làm duy nhất một việc. Ngộ nhỡ chọn phải việc chán thì hỏng cả đời. Hay đơn giản cái gì mà mình có hứng thú thì cả đời sẽ “không phải đi làm”. Đúng.
Hồi xưa mình đi tư vấn tuyển sinh ở trường cấp 3 cũ (năm Nhất, suýt chuyển trường?!). Rất rất nhiều bạn đã hỏi mình câu này. Mình không biết trả lời. Thời đấy mấy bài trắc nghiệm đã rất thịnh hành rồi nên mình chỉ dám nói em tự làm đi.
Trắc nghiệm tính cách, sinh trắc vân tay, bói tarot, tung đồng xu, hỏi thăm người này người kia, … để cố tìm ra được “mình là ai?” vào độ tuổi 18 – 20 là chuyện khó lắm. Thế thì lấy gì đảm bảo trường/ngành mình cân nhắc là “đúng đắn”?
Những gì ghi trên mô tả công việc JD không hoàn toàn chính xác y chóc. Khi bước chân vào một nơi làm việc thực sự mới thấy có sự sai lệch, 100% sẽ khác. Thế thì làm sao phải lần lữa quá nhiều khi mới chỉ đứng ngoài? Chọn gì không bằng thái độ của mình với lựa chọn đó.
Sự thành công trong cuộc đời không đơn thuần là chuyện chọn nghề, mà phần lớn xuất phát từ những cố gắng trong khi hành nghề. Nói một cách khác, làm nghề gì bạn c ũng có thể thành công, thậm chí có thể nổi tiếng nếu nỗ lực hàng ngày để trau dồi tay nghề của mình.
Thầy Phan Văn Trường viết trong Một Đời Như Kẻ Tìm Đường
Phải làm gì để tìm thấy “đam mê”?
Nếu em chưa phải chọn nghề: hãy phải tự dấn thân càng nhiều, càng sâu, càng tốt vào tất cả những hoạt động mà em hứng thú. Gì cũng được: văn nghệ, tình nguyện, thể thao, chơi game, YouTuber, … hãy trải nghiệm. Đi sâu vào xem làm game, chuẩn bị quay phim như nào, có gì khó khăn, vất vả.
Nếu em đang lưỡng lự: em thấy cái nào có vẻ hay ho hãy đọc về nó từ nhiều nguồn, tiếng Anh tiếng Việt. Hãy hỏi thăm nhiều người trong lĩnh vực liên quan. Và nhất thiết không cần có áp lực “đây là lựa chọn quan trọng ảnh hưởng tới cả cuộc đời”. Không hề! Vì sau đó càng rất nhiều thứ quan trọng hơn bắt em phải chọn nữa :))). Rồi chọn đại giữa những cái mình thích nhất đi.
Cho bố mẹ: Hỗ trợ, tạo điều kiện, chia sẻ, hỏi han, quan tâm hết mình nhưng cần để các con tự lo lấy. Cần tạo khoảng trống để con thở và suy nghĩ. Các em có chuyện lớn nhất là đi học thêm. Chuyện lớn nhì là đi học chính. Cơm nước dọn sẵn không phải động tay động chân gì. Đam mê/thích thú đến như thế nào nếu không có trải nghiệm? Không chỉ mình, cả hai tác giả đều viết thế :D.
Nếu em chưa biết mình thích gì hãy coi nó là chuyện … bình thường. Nhưng cần độc lập được và tiếp tục mạnh dạn dấn thân. Có một video ở dưới của anh Trí ở Awake Your Power chia sẻ, mình thấy khá hay nên sẽ để ở cuối bài.
Nghề tay trái. Side Hustle. Multi-Career
Tại sao phải làm một nghề nhỉ? Nói thật :)), bỏ qua chuyện cơm áo gạo tiền, chỉ học không rất rảnh. Thế thì tại sao không hướng tới việc học/làm hai nghề từ đầu? Thầy Trường có nêu ra vài ví dụ rất tâm đắc.
Học một cái dùng não, một cái dùng chân tay. Học Quản trị kinh doanh thì học thêm nghề đầu bếp. Học kinh tế và học nhạc chuyên nghiệp. Có những ngành mà robot mãi không thay thế được con người.
Kể cả vừa học vừa phải làm kiếm tiền cũng học được. Chỉ là hãy quan sát và đặt câu hỏi xem Grab/quán cafe/quán ăn/trung tâm gia sư hoạt động thế nào? Học bằng quan sát.
Thời gian tĩnh một mình rất quan trọng
Cuối cùng, cũng có lúc phải cân nhắc. Cả chị Phoenix Hồ và thầy Trường đều nhấn mạnh ý này mà mình rất đồng ý: Hãy tĩnh tại để có suy nghĩ cho riêng mình. Nếu suy nghĩ lộn xộn thì ghi ra rồi sắp xếp lại.
Vì vậy, hãy cẩn thận với những input đang hàng ngày bao quanh lấy các em :D, kể cả bài viết này. Hãy chọn lọc, và tĩnh tâm để cho bản thân một cơ hội.
Kết,
Mình chưa trải đủ nhiều như hai tác giả. Bài viết là cách để mình xử lý và sắp xếp thông tin nên mang nhiều quan điểm của mình. Hãy cẩn thận :)).
The Too Blue Scientist
Tham khảo thêm
Review sách: https://thetoobluescientist.com/sach-doc-trong-thang-hai/
Link sách Một đời như kẻ tìm đường
Link sách Cứ đi để lối thành đường
Anh Hữu Trí nói gì về đam mê?
Nói về nghề nghiệp có cuốn Kỹ năng đi trước đam mê đọc cũng được á anh.
Cảm ơn Daisy đã giới thiệu :D!