Mark Rober là một YouTuber nổi tiếng, trước là về những trò quậy, sau là về khoa học. Mới đây, anh ý khoe về đứa con của mình trước ống kính lần đầu tiên. Cậu bé mắc chứng tự kỉ.
Điều mình xúc động nhất trong đoạn phim này là lúc anh ý đứng giữa công viên vui chơi trẻ em và mô tả cho người xem thấy người tự kỉ CẢM NHẬN THẾ GIỚI BẰNG TẤT CẢ GIÁC QUAN CÙNG MỘT LÚC là như nào.
Mình là người xem mà còn thấy quá tải thì tự hỏi người tự kỉ sẽ thấy ra sao nhỉ?
Mình từng được vài lần tiếp xúc và dạy trẻ có vấn đề về mặt tâm lí.
Lần đầu khi mình dạy một lớp nhỏ. Em này là em của một học sinh trong lớp mình. Có mẹ em đưa em đến xem anh em học. Vừa vào lớp chời ơi em chạy khắp phòng, một mạch. Trong cái lớp học hình hộp chữ nhật không chừa chỗ nào mà em không chạy. Mẹ em phải bắt túm lấy em, ôm em vào lòng thì em mới chịu dừng lại, nhưng vẫn ngọ nguậy không ngừng.
Lần hai, cũng là em này ở một chốn đông người hơn và cũng chạy. Có cái hay là tuy địa hình phức tạp, và có người lớn cỡ nào, ẻm cũng cóc ngán. Em chạy khắp từ hàng ghế này sang hàng ghế khác. Ghế nào có người lớn thì, hihi, em leo lên chạy qua. Như thể người lớn ngồi đó cũng không thể gia tăng thêm độ khó cho game thêm được.
Lần ba, mình đứng lớp dạy một em lớn hơn. Lớp đôi khi chỉ có 3-5 học sinh khác. Em này lớn, nghe ba mẹ em kể em tuổi lớp 8, lớp 9 rồi, nhưng vẫn phải đi học ở chỗ mình, chung với các em lớp 4, 5. À hồi đó mình dạy khoa học ở một trung tâm ngoài giờ. Ba mẹ mang em đến, xin mình bằng được vui lòng nhận em vô học, để em mạnh dạn hơn ở chỗ đông người. Và nhìn em to con núp sau ba mẹ mà mình không khỏi … thấy kì.
Những buổi đầu khi vào lớp. Em. Không. Làm. Theo. Những. Gì. Mình. Nói. Tức là mình nói gì có vẻ em ấy không hiểu. Mình hỏi gì em ấy trả lời một nẻo.
Lớp ít học sinh nên mình cho chúng khá tự do. Làm nhóm nhỏ để chúng thoải mái bàn luận. Nhưng em này không ai chịu được. Kiểu đúng là em chỉ vào … phá thôi. Mình bảo nè các em nhỏ giọt pipette vào ống nghiệm như này, như này. Bạn này có thể lấy cả ca chất lỏng (tất nhiên là an toàn) rót vào ống nghiệm và để nó chảy tràn ra tay.
Có lần mình quay sang chỉ một nhóm khác làm việc. Quay lại em này không thấy cái khay đâu. Hỏi mãi em đó mới chỉ cho cái khay dấu dưới sàn lớp, tan xác pháo dụng cụ thí nghiệm. Hồi đó trên YouTube có trào lưu video đập phá hơi đáng sợ một tí. Sau này mình nghe ba mẹ em kể mới biết hoá ra em xem những video đó rồi lên đây nhớ ra làm theo.
Những buổi đầu mình thuơng…mình lắm. Kiểu 150% sức lực bỏ ra để dạy lớp 5 học sinh, ai tin. Và bực nữa chứ. Có lần mình nói với ba mẹ em. Hay đúng hơn ba mẹ hay hỏi mình, với thái độ luôn luôn nhường nhịn và cảm thông với mình, là em thế nào, có làm khó thầy không? Nếu khó nói em quá, thầy cứ doạ mang ra cảnh sát là em nghe, em sợ cảnh sát. Nhưng mình biết họ nói vậy, chứ họ thương con mình lắm lắm lắm lắm. Đến giờ khi viết những dòng này mình còn cảm động.
Sau này có ngày chỉ có mình với em đó học. Và khi có không gian thì mình cảm thấy em dễ chịu hơn, mình cũng chịu dễ hơn.
Lần nữa, mình theo đoàn học sinh lớn đi tham quan một chuyến. Ai cũng nhìn trưởng thành, to con lắm rồi. Vì trẻ lớn, nên mình có bộc lộ cảm xúc khó ra nhiều hơn, vì nghĩ chúng nó cũng biết nghĩ. Có một bạn lớn lắm, hay hỏi và trả lời không đúng câu hỏi của mình. Mình chỉ nghĩ là bạn này sao kì kì nhỉ. Ngờ ngợ.
Cuối cùng sau khi trở về, mình mới được biết bạn ý mắc tự kỉ. Oa, và mình tự trách bản thân khá nhiều vì đã không cư xử khéo léo hơn, như thể bạn đó hỏi – đáp những câu vu vơ là lỗi của bạn vậy.
Video của Mark Rober như thắp sáng một vùng kiến thức mà mình từng vô tri, vô minh về học trò của mình. Mình từng không hiểu những gì mà chúng nó phải trải qua, định bụng tìm hiểu nhưng không có thời gian, theo nghĩa đen, mà trì hoãn hoài.
Công nhận là có thêm hiểu biết mình bớt chỉ trích đi. Cả cho mình lẫn người khác.
Nhưng nó làm mình nhớ đến một sự kiện khác. Đợt nào đó có chuyện học trò tát giáo viên. Trên facebook mình có làn sóng to dài tới tận mấy ngày trending, rất nhiều bình luận. Rằng nếu em học sinh đó không tôn sư trọng đạo, dám khinh thầy khè cô thì trước sau gì cũng ra đường, cũng làm tổn hại xã hội, sẽ bị xã hội ruồng bỏ, đào thải.
Nhiều người sử dụng cụm từ “chọn lọc xã hội”, bắt chước “chọn lọc tự nhiên” (natural selection), để giải thích và gọi tên cho lập luận ở trên của họ. Mình bị khựng ở đó đến giờ mới viết về nó.
Ủa, có “chọn lọc xã hội” không?
Tại sao có những người được định nghĩa “mắc bệnh, không muốn phát triển” bởi những người thành công hơn và được hăm doạ là coi chừng nha, bị xã hội đào thải giờ?
Nhưng cũng có những người đang cố hết sức để tạo động lực cho đứa con thiếu may mắn của mình được tôn trọng, được người khác thấu hiểu cho những khó khăn của nó. Nó cóc cần trở thành cầu thủ, đoạt Nobel, sáng chế vaccine, làm phi hành gia lên Sao Hoả. Nó chỉ cần được sống, được vui vẻ là được rồi.
John Green mới chia sẻ là đã đủ tiền hỗ trợ tổ chức nào đó thành lập một bệnh viện ở Sierra Leone để hi vọng giảm tỉ lệ tử vong khi sinh. Có nhiều người đang nỗ lực để giành giật từng phần trăm sống còn cho một con người. Thoát khỏi súc sắc của “chọn lọc tự nhiên”, họ đến với “chọn lọc xã hội” ra sao?
Marc Brackett, tác giả của Permission to Feel đi dạy về cảm xúc hay bị người lớn và giáo viên khác hỏi là ủa, hồi xưa có ai dạy tui mấy này đâu mà tui vẫn lớn, vẫn khoẻ. Ông không nghĩ là tụi trẻ này nó thiếu sự cứng cáp về mặt tâm lí mà những thế hệ trước vẫn có sao?
Marc bảo đến đoạn này ông thường cố gắng bình tĩnh, dù rất bực khi người ta chơi trò đổ lỗi cho nạn nhân một cách hơi vô trách nhiệm. Ông nói lại. Giả sử cứ cho đứa trẻ bây giờ nó thiếu sự cứng cáp và sức mạnh cảm xúc của thế hệ cũ đi, (giả sử vậy thôi chứ trẻ con hồi xưa cũng khổ mặt này lắm nè), rồi sao nữa?
Marc hỏi: có phải trách nhiệm của chúng ta là làm những gì tốt nhất có thể để giúp chúng không?
Cố gắng hiểu chúng có vẻ là cách tốt nhất.
ThE tOo BlUe SCientIST
“My son will never be the star of his Little League team, or he won’t be the first person to step foot on Mars nor he invent the cure to cancer. But by the best definition of success, I can think of him and his special-needs buddies and everyone else out there like them are giants living amongst us mere mortals. They make the world a better place and we’re lucky to have them.”
Pingback: Già đi từng năm, mới hơn mỗi ngày - The Too Blue Scientist
Pingback: Từ vựng mới - The Too Blue Scientist
đây là chia sẻ của một người bị tự kỷ:
-Em biết cái chứng bị tự kỷ đi khắp phòng rồi, bây giờ em vẫn giữ thói quen đó, nhiều người bây giờ vẫn không hiểu được điều đó, lúc em đi khắp phòng 1 là suy nghĩ của em đang thăng hoa, 2 là em đang khám phá thế giới xung quanh theo giác quan của mình bằng cách chạm vào mọi thứ và cảm nhận qua từng bước chân, điều đó rất thú vị, khi em lớn lên một chút em bắt đầu ý tứ hơn và dần dần kiềm chế thói quen đó ở nơi đông người.
Anh rất vui vì nhận được chia sẻ của Thuận về góc nhìn và cảm nhận của mình. Em bây giờ và em lúc ấy còn khác nhau ra sao hở Thuận? Nếu được mình trò chuyện thêm với nhau nhé! Cám ơn Thuận!
đây là chia sẻ của một người bị tự kỷ:
-Em biết cái chứng bị tự kỷ đi khắp phòng rồi, bây giờ em vẫn giữ thói quen đó, nhiều người bây giờ vẫn không hiểu được điều đó, lúc em đi khắp phòng 1 là suy nghĩ của em đang thăng hoa, 2 là em đang khám phá thế giới xung quanh theo giác quan của mình bằng cách chạm vào mọi thứ và cảm nhận qua từng bước chân, điều đó rất thú vị, khi em lớn lên một chút em bắt đầu ý tứ hơn và dần dần kiềm chế thói quen đó ở nơi đông người.
Anh rất vui vì nhận được chia sẻ của Thuận về góc nhìn và cảm nhận của mình. Em bây giờ và em lúc ấy còn khác nhau ra sao hở Thuận? Nếu được mình trò chuyện thêm với nhau nhé! Cám ơn Thuận!
<3 Bài viết hay quá. Nhất là với ng cũng đang có con nhỏ như chị.
Em cám ơn chị đã động viên 😉 Em cũng mừng vị chị được chia sẻ ạ.
<3 Bài viết hay quá. Nhất là với ng cũng đang có con nhỏ như chị.
Em cám ơn chị đã động viên 😉 Em cũng mừng vị chị được chia sẻ ạ.